Thông thường một đợt nắng nóng diễn ra khoảng 3 đến 5 ngày, thì năm nay có thể sẽ từ 5 đến 7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn, với cường độ mạnh, sẽ xuất hiện trong những ngày tới. Đây là điều kiện bất lợi làm giảm sức đề kháng; vật nuôi có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng, gây thiệt hại về kinh tế cho sản xuất chăn nuôi.
Mặt khác, do ở một số nơi nguồn cung điện chưa đủ đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành chăn nuôi nói chung, nông hộ nói riêng và các trang trại chăn nuôi quy mô lớn sử dụng hệ thống chuồng nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn điện.
Đặc biệt trong chăn nuôi bò sữa, giá trị kinh tế cao, tập tính của bò sữa là rất sợ nóng, nếu không có biện pháp làm mát sẽ làm bò sữa giảm nhanh lượng sữa, thậm chí phát sinh dịch bệnh; với gia cầm nhất là trang trại nuôi gà giống, gia cầm sinh sản, nắng nóng và nguồn điện chưa bảo đảm đã tác động trực tiếp đến sinh trưởng, có thể gây ra chết hàng loạt.
Hiện tượng El Nino và tác động tới ngành chăn nuôi Việt Nam
Mới đây, tại tỉnh Thanh Hóa, đầu tháng 6 vừa qua do nắng nóng và mất điện đột ngột, trang trại gà của một hộ chăn nuôi ở xã Yên Trung, huyện Yên Định (quy mô 40.000 con gà thịt) đã bị chết 5.000 con, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.
Theo các chuyên gia, để chủ động phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong những ngày nắng nóng, cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương để người dân tham gia chăn nuôi biết, có kế hoạch ứng phó. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm. Chuồng nuôi cần bảo đảm cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát; những ngày nhiệt độ cao, nên phun nước lên mái chuồng và bố trí đủ quạt điện để làm mát cho vật nuôi.
Đối với các trang trại chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn nên chủ động nguồn cung cấp điện, nước để bảo đảm phục vụ sản xuất. Tăng cường thức ăn giàu đạm, thức ăn xanh; giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần cho vật nuôi. Trong những đợt nắng nóng kéo dài cần cho gia súc, gia cầm ăn nhiều bữa, nên ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa. Cung cấp đủ nước sạch, bổ sung chất điện giải và vitamin cho vật nuôi uống để tăng sức đề kháng và giải nhiệt. Khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định.
Đối với chăn nuôi lợn và trâu bò, cần thu gom, chuyển chất thải ra khỏi chuồng hằng ngày. Tăng cường vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt…, những tác nhân truyền và gây bệnh cho vật nuôi. Theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin nhằm phòng bệnh, bảo đảm sức khỏe cho vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế đối với các chủ thể tham gia chăn nuôi.