Bài 2: Nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu
Mặc dù đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, song việc phát triển các cây công nghiệp chủ lực ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế do sản xuất manh mún, người trồng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… Nhiều sản phẩm vẫn ở dạng chế biến thô nên giảm sức cạnh tranh và thu nhập cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Theo Cục Trồng trọt (giá trị sản xuất sáu cây công nghiệp chủ lực là cà-phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, dừa chiếm 16,76% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, 10,24% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Bài 1: Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất
Đa dạng hóa sản phẩm
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho rằng: “Với điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, trong nhiều năm qua, tỉnh xác định cây cà-phê là cây trồng chủ lực trên địa bàn.
Ðến nay, Ðắk Lắk có diện tích cà-phê là 212.000 ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 550.000 đến 560.000 tấn cà-phê nhân, với giá trị xuất khẩu gần 800 triệu USD/năm, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 18,3% kim ngạch xuất khẩu cà-phê của cả nước.
Với giá như hiện nay thì hiệu quả từ trồng cà-phê nếu tính trên quy mô diện tích lớn, chỉ đứng sau cây sầu riêng. Qua thống kê, cà-phê có lợi nhuận từ 150 đến 180 triệu đồng/ha; nhiều gia đình đầu tư bài bản, sử dụng giống tốt và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt năng suất 28 tạ/ha, cho thu lãi hơn 250 triệu đồng/ha.
Những năm gần đây, tỉnh Ðắk Lắk đã kêu gọi và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động chế biến cà-phê. Nhờ đó, toàn tỉnh có khoảng 209 cơ sở chế biến cà-phê, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư khoa học-công nghệ đạt chuẩn quốc tế để chế biến sâu, chế biến tinh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư An Thái, công suất chế biến hơn 16.000 tấn/năm cho sản phẩm cà-phê bột và hạt rang; cà-phê sữa 3 trong 1 là 8.000 tấn/năm; sản lượng cà-phê hòa tan đạt gần 8.000 tấn/năm.
Công ty cổ phần cà-phê Trung Nguyên công suất chế biến 28.000 tấn/năm cho sản phẩm cà-phê bột và một số doanh nghiệp khác như Công ty Ðắk Man, Công ty Olam, Công ty Simexco Ðắk Lắk, Công ty Cà-phê Ngon, Công ty Cà-phê Hà Lan-Việt Nam... Trong năm 2023, sản lượng chế biến cà-phê nhân đạt 455.000 tấn; cà-phê bột các loại đạt 31.000 tấn; cà-phê hòa tan đạt 10.000 tấn...
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên chú trọng phát triển nông nghiệp, nhất là cây chè, vì đây là cây trồng chủ lực, số hộ trồng nhiều và mang lại thu nhập lớn nhất so với các loại cây trồng khác. Phó Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng cho biết: “Ðể nâng cao giá trị cây chè, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 139/QÐ-UB phê duyệt Ðề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với chính sách hỗ trợ về đào tạo, giống, phân bón hữu cơ, sinh học; chứng nhận VietGAP; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất và thiết bị chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chè”.
Với những chính sách của tỉnh, hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác chè đã lắp đặt thiết bị tưới tự động cho chè, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với sản xuất chè vụ đông, đưa năng suất chè tăng bình quân từ 15 đến 20% so với không được tưới; các khâu sao, sấy, vò và đóng gói đều được tự động hóa không chỉ giúp nâng cao năng suất, giảm nhân lực nghề chè.
Sản xuất chè hữu cơ đang là xu hướng chuyển đổi đối với nhiều vùng sản xuất chè tập trung, đặc biệt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, chế phẩm sinh học phun đuổi côn trùng gây hại đang trở nên phổ biến đối với người trồng, chế biến chè, bởi người dân ngày càng ý thức về sức khỏe của mình, “sức khỏe của đất”, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chè trong tỉnh đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất đa dạng sản phẩm chè chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, một số cơ sở đã đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ chè như: Hồng trà, Matcha bột trà xanh, trà lắc túi lọc, trà Kombucha, kẹo trà, bánh trà để nâng cao giá trị của chè.
Mở rộng quảng bá thương hiệu
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển các cây công nghiệp chủ lực ở nước ta vẫn còn những hạn chế do: Sản xuất còn lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật; ở nhiều nơi sản xuất vẫn còn manh mún, không theo quy hoạch, chạy theo thị trường dẫn đến tình trạng được mùa, rớt giá. Sản phẩm chủ yếu vẫn ở dạng thô; liên kết giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhà khoa học còn yếu và lỏng lẻo; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất chưa nhiều nên chất lượng sản phẩm chưa cao; chưa khai thác giá trị với sản phẩm phụ, khai thác phát triển du lịch để nâng cao cạnh tranh.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dù đã hình thành hàng trăm làng nghề, hợp tác xã chè, hơn 10 điểm du lịch cộng đồng gắn với cây chè nhưng việc thu hút du khách chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế; nhận thức của các chủ thể, người dân và cơ sở vật chất phục vụ du lịch vùng chè còn hạn chế.
Bên cạnh đó, diện tích, sản lượng chè đạt tiêu chuẩn quốc gia về hữu cơ còn thấp, chưa thu hút được các doanh nghiệp có tiềm lực lớn đầu tư sản xuất chè, nhất là sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao và chế biến sâu các sản phẩm từ chè; liên kết tổ chức sản xuất, mẫu mã, bao bì tại một số cơ sở sản xuất còn hạn chế, chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô hộ gia đình.
Ðể phát triển bền vững cây công nghiệp chủ lực, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần sản xuất theo các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại để tăng năng suất và chất lượng, giảm giá thành nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hướng tới canh tác bền vững; nghiên cứu thị trường để xác định các loại cây trồng có nhu cầu cao và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.
Ngoài ra, chiến lược tiếp thị và quảng bá hiệu quả có thể giúp cây công nghiệp Việt Nam được công nhận và chấp nhận trên thị trường quốc tế; khuyến khích chế biến sâu để tăng khả năng cạnh tranh. Ðồng thời, ứng dụng khoa học-công nghệ trong chọn tạo giống cây trồng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu như: Chịu hạn, nóng, mặn… và ứng dụng khoa học trong việc sản xuất, đầu tư cho các khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm giảm vật tư đầu vào, khắc phục hiện tượng bất lợi của thời tiết; hình thành các liên kết sản xuất giúp nông dân có điều kiện tốt hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận thông tin và các tiến bộ khoa học...
Để nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng cà-phê bảo đảm cho xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh Ðắk Lắk đã và đang triển khai nhiều giải pháp như: Ðầu tư vùng trồng, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, tổ chức lễ hội, hội chợ, cuộc thi cà-phê đặc sản, trang bị cho các doanh nghiệp kiến thức để khai thác các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, cải tiến quy trình công nghệ… vì đây là một trong những đột phá để nâng cao tỷ lệ cà-phê chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu.
Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk
Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh là chỉ một số ít doanh nghiệp đủ năng lực chế biến cà-phê chất lượng cao, còn lại phần lớn là các cơ sở quy mô nhỏ, dây chuyền thiết bị đơn giản gồm máy rang, máy xay, máy đóng gói và chế biến theo phương pháp chế biến khô là chủ yếu. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Nông Phạm Tuấn Anh, cần tập trung vào hai yếu tố chính: Nâng cao chất lượng và phát triển liên kết chuỗi giá trị ngành hàng hồ tiêu bền vững. Nâng cao chất lượng, trước hết cần thay đổi thói quen canh tác lâu nay của người dân bằng việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), thông qua chương trình hỗ trợ được tỉnh Ðắk Nông ban hành; ưu tiên phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng sinh học, sản xuất hữu cơ (Organic), hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật...
Cục Trồng trọt cho biết, các loại cây công nghiệp chủ lực thời gian qua đã tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu gia đình vùng nông thôn. Trong đó, khoảng 110 nghìn lao động ngành dừa, hơn một triệu lao động thường xuyên ngành cà-phê và 8,5 triệu lao động thời vụ; khoảng 500 nghìn lao động ngành cao su; 400 nghìn lao động ngành chè; khoảng 600 đến 700 nghìn lao động trồng điều…
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4/5/2024.