Tăng giá trị cây công nghiệp chủ lực

Bài 1: Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất

Hiện nay, nhiều vùng, địa phương trên cả nước có điều kiện đất đai, khí hậu để phát triển cây công nghiệp chủ lực như: Cà-phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu và dừa. Những năm qua, các loại cây công nghiệp chủ lực giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tỉnh Đắk Nông thu hoạch hồ tiêu.
Người dân tỉnh Đắk Nông thu hoạch hồ tiêu.

Giai đoạn vừa qua, phát triển cây công nghiệp chủ lực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu các sản phẩm của cây công nghiệp chủ lực đã và đang góp phần khẳng định vị thế, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay cả nước có hơn 2,3 triệu héc-ta trồng cây công nghiệp chủ lực. Trong đó, diện tích cây cà-phê là 715.000 ha, chè 123.000 ha, hồ tiêu 112.000 ha, cao su 910.000 ha...

Nâng cao thu nhập cho nông dân

Những ngày này, ở vùng trọng điểm trồng cà-phê như các huyện: Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc... (Đắk Lắk), nông dân đang tất bật để tìm nguồn nước bơm tưới cà-phê. Theo người dân địa phương, những mùa khô hạn trước đây chỉ tưới khoảng bốn đợt là đến mùa mưa. Còn mùa khô năm nay, họ đã tưới bốn đợt nhưng vẫn chưa có mưa, khả năng phải tưới thêm một đến hai đợt nữa khiến chi phí đầu tư tăng lên. Mặc dù vậy, gần đây giá tăng cao kỷ lục khiến người trồng cà-phê hết sức phấn khởi. Ông Nguyễn Ngọc Anh ở xã Cư Dlie M’nông, huyện Cư M’gar cho biết: “Với giá hiện nay hơn 120 triệu đồng/tấn cà-phê nhân, người trồng trúng lớn, vừa giúp nâng cao đời sống, vừa có nguồn vốn đầu tư để phát triển cà-phê bền vững”. Anh Y Niêng Niê ở buôn Yông, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc chia sẻ: “Gia đình tôi trồng được 1,5 ha cà-phê. Những năm trước, giá cà-phê xuống thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi tham gia các cuộc họp buôn, xã và các lớp tập huấn của Hội Nông dân, tôi được cán bộ tuyên truyền cà-phê là cây trồng chủ lực của tỉnh, so với các loại cây trồng khác thì thu nhập từ loại cây này vẫn ổn định nhất. Vì vậy, gia đình không chặt bỏ cà-phê chuyển sang trồng các loại cây khác. Trong niên vụ 2022-2023, gia đình tôi thu được 5 tấn cà-phê nhân. Với giá bán hơn 120.000 đồng/kg, gia đình tôi có nguồn thu nhập cao”.

Thay vì phải mua trụ gỗ để trồng hồ tiêu theo phương pháp truyền thống, gia đình chị Lê Thị Khuyên, thôn 2, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã lựa chọn cây bóng mát để làm trụ trồng tiêu. Đến nay, hơn 4 ha hồ tiêu của gia đình đang phát triển tốt, không xuất hiện nấm bệnh hại. Bên cạnh đó, chị Khuyên dùng phân bón vi sinh, các chế phẩm sinh học bón cho cây nhằm hướng đến sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường. Chị Lê Thị Khuyên cho biết: “Canh tác hồ tiêu theo hướng sinh thái, bền vững rất thân thiện với môi trường, năng suất luôn ổn định, giá bán cao hơn sản xuất truyền thống. Việc trồng hồ tiêu theo hướng bền vững chỉ tốn công chăm sóc thời gian đầu, còn khi trụ sống đã lên cao thì dây tiêu phát triển rất tốt. Cây tiêu được cây sống làm trụ che bóng đã giảm chi phí tưới nước, cho năng suất cao... Ngay từ đợt thu hoạch vụ đầu tiên, trung bình mỗi trụ cho thu khoảng 8 kg tiêu”.

Mở rộng sản xuất theo hướng an toàn

Thái Nguyên có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, nông dân có kỹ thuật trồng, chế biến, cho nên đến nay địa phương này có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước với hơn 22.000 ha; sản phẩm chè có thương hiệu, được mệnh danh “đệ nhất danh trà”, được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại nguồn thu lớn cho người dân.

Tân Linh là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất ở huyện Đại Từ, nhưng những năm trước đây, giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã đóng gói, quảng bá. Với chủ trương tạo sinh kế cho người dân vùng dự án khai thác khoáng sản, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đã mời chuyên gia, cán bộ khuyến nông lấy mẫu đất phân tích và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến chè cho nhân dân và tư vấn thành lập Hợp tác xã Trà Nhật Thức. Giám đốc Hợp tác xã Trà Nhật Thức Đào Thị Thức cho biết: “Được sự hỗ trợ nhiều mặt, nhất là xây dựng thương hiệu, các thành viên tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, chế biến nên đến nay chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu trà Nhật Thức với ba sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, doanh thu mỗi năm tăng 15%. Đến năm 2023, doanh thu hơn hai tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 công nhân, thu mua chè nguyên liệu của 100 hộ liên kết trên địa bàn và hiện nay đang sản xuất chè theo hướng hữu cơ”.

Tại tổ hợp tác trồng chè xóm Khu 3, xã Tân Linh, có gần 30 hộ trồng chè, từ khi được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học..., năng suất tăng hơn 20%, trong đó chè được sản xuất theo quy trình sạch giá trị tăng lên từ 20 đến 25% so với trồng chè truyền thống, mỗi héc-ta chè mang lại thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết: “Hết năm 2023, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 33.789 ha, sản lượng đạt 70.685 tấn, tăng 28.458 tấn so với năm 2018. Diện tích hồ tiêu tập trung nhiều nhất là ở các huyện: Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Mil. Hiện nay, việc sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng bền vững đã và đang được thực hiện ở hầu hết các địa phương trồng trọng điểm. Địa bàn tỉnh Đắk Nông đang dần hình thành các hình thức liên kết giữa người dân và doanh nghiệp từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế và chế biến hồ tiêu, áp dụng các quy trình sản xuất bền vững, hữu cơ, sạch... Các hộ liên kết được hỗ trợ kỹ thuật, thu mua sản phẩm tiêu hữu cơ cao hơn phương pháp truyền thống 1,5 lần.

Ngày 26/1/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, gồm các cây: Cà-phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích cây công nghiệp chủ lực cả nước đạt khoảng 2,1 đến 2,3 triệu héc-ta; giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sáu cây công nghiệp chủ lực đạt khoảng 14 đến 16 tỷ USD (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).

Trong thời gian qua, việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất cà-phê được đánh giá là thành công của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk trên các lĩnh vực từ khâu giống, tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và cả thị trường. Đối với giống, gần như 100% diện tích tái canh đã sử dụng giống mới, giống nuôi cấy mô... Đối với sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã chủ động áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giảm 20 đến 30% lượng nước tưới, giảm vật tư đầu vào khoảng hơn 15%, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, từ đó tăng năng suất lên đến 25%. Đồng thời, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng công nghệ cảm biến để theo dõi về tình hình tưới nước, chế độ dinh dưỡng của cây… Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương: “Hiệu quả ứng dụng khoa học-công nghệ mang lại trong sản xuất cà-phê là rất lớn, giúp cho ngành hàng cà-phê phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song (Đắk Nông) Lê Hoàng Vinh cho biết: Địa bàn có đất đai màu mỡ, tầng đất canh tác dày, khí hậu tương đối thuận lợi là điều kiện cho sự phát triển cây hồ tiêu. Hết năm 2023, toàn huyện có 14.051 ha trồng hồ tiêu, trong đó diện tích kinh doanh 13.304 ha. Đến nay toàn huyện đã có 2.332 ha trồng hồ tiêu đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ quốc tế... Toàn huyện có tám chuỗi liên kết hồ tiêu với sự tham gia của bảy doanh nghiệp, một số hợp tác xã và hộ gia đình. Các sản phẩm liên kết đều áp dụng các tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn. Ngoài ra, Đắk Song đã xây dựng hai vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây hồ tiêu với diện tích 1.549,4 ha. Theo đánh giá sản xuất theo chuỗi cho thấy được sự ổn định đầu ra sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến. Hơn nữa các nông sản tham gia liên kết chuỗi có chứng nhận sản phẩm an toàn, được canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật, giá thành thu mua cao hơn. Bên cạnh đó, việc các đơn vị sản xuất, sơ chế, chế biến tham gia mô hình chuỗi sản xuất đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và thực hiện tốt việc kiểm soát an toàn thực phẩm.

(Còn nữa)