Giám sát, ngăn chặn tiền chất ma túy, chất ma túy trong thực phẩm

NDO - Lo ngại về tình trạng chất ma túy, tiền ma túy đang ngày càng có tính chất nghiêm trọng hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tiền chất ma túy, chất ma túy trong lương thực, thực phẩm, đồ uống và các loại thực phẩm khác.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/12. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/12. (Ảnh: DUY LINH)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 18, chiều 15/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra bếp ăn tập thể không đạt tiêu chuẩn

Trình bày báo cáo, đồng chí Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế-xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản lượng một số sản phẩm thủy sản trọng điểm tăng cao; ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao; hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành…

Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ tư, nhất là việc triển khai chính sách tài khóa tiền tệ để thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19; việc thực hiện tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công.

Bên cạnh đó, cử tri đánh giá cao kết quả hoạt động chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư về 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Thanh tra và mong muốn những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Giám sát, ngăn chặn tiền chất ma túy, chất ma túy trong thực phẩm ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp.

Qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ tư, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.484 kiến nghị của cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương chuyển đến. Ban Dân nguyện đã chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022, Ban Dân nguyện đã nhận thêm 461 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ ba. Tính đến nay, đã có 2.632 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ ba đã được giải quyết, trả lời.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình hình mưa lớn bất thường tại các tỉnh miền trung; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng; tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy phân khối lớn; tình trạng các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử…

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ vừa qua, tránh tái diễn tình trạng trên để người dân an tâm lao động, sản xuất; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; quan tâm, bảo đảm đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Có chính sách, biện pháp phù hợp để hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới; tăng cường kiểm tra chặt chẽ các hoạt động của những đơn vị, nhóm người kinh doanh đến quảng cáo, tiếp thị, mở hội thảo, bán hàng trá hình đồng thời tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của các đối tượng đến người dân; khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh quy định (nếu có) trong việc đấu thầu cung cấp thuốc và vật tư y tế nhằm phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân…

Cần làm rõ tình trạng thiếu việc làm, ngưng việc trước Tết Nguyên đán

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và một số đại biểu cho rằng, đối với phản ánh của cử tri về tình trạng các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử…, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành có liên quan và công an các địa phương nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để cảnh báo cho người dân để biết, phòng tránh tác hại và xử lý nghiêm theo quy định, nếu không giải quyết sớm sẽ gây hậu quả lớn.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, báo cáo công tác dân nguyện phản ánh hơi thở cuộc sống, việc thực hiện xem xét báo cáo dân nguyện tại phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện.

Giám sát, ngăn chặn tiền chất ma túy, chất ma túy trong thực phẩm ảnh 2
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Với việc nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trong các báo cáo hàng năm, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, trong đó đều có nội dung về vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có tăng cao so với trước vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề này. Đồng thời, cho rằng cần quan tâm hơn nữa đối với vấn đề này khi xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Ban Dân nguyện trong việc theo dõi, đôn đốc, thống kê, tổng hợp bảo đảm chất lượng các nội dung, giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhận định đánh giá sát thực tình hình.

Qua thảo luận, cần bổ sung những nội dung trong báo cáo, đó là tình hình doanh nghiệp thiếu vốn, thanh khoản khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang khó khăn, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn này.

Đối với việc sửa đổi Luật Đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền cần đặc biệt lưu ý, tránh đề cao, tô hồng quá mức lợi ích, nhất là về giá đất sau khi được sửa đổi, nhằm định hướng tâm lý, tư tưởng người dân cho phù hợp. Đồng thời, cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch trong đó có quy hoạch đất của cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện bổ sung đánh giá hiệu quả của việc nghe Báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng và việc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng, đã có sự chuyển biến rõ từ nhận thức đến hành động, rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên nắm được tình hình và có chỉ đạo rất kịp thời, cụ thể.

Ban Dân nguyện tiếp tục nhấn mạnh, làm rõ tình trạng thiếu việc làm, ngưng việc và thôi việc trước Tết Nguyên đán, gây khó khăn cho cuộc sống người dân, nên cần có chính sách phù hợp, hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng.

Lo ngại về tình trạng chất ma túy, tiền ma túy đang ngày càng có tính chất nghiêm trọng hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tiền chất ma túy, chất ma túy trong lương thực, thực phẩm, đồ uống và các loại thực phẩm khác.

Đối với tình hình ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong, cần rà soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là bếp tập thể tại cơ quan, đơn vị và trong các nhà trường, có giải pháp chấn chỉnh, tháo gỡ. Bộ Công Thương cần có tài liệu tuyên truyền về thuốc lá điện tử, phổ biến cho người dân về tiền chất ma túy, để người dân có nhận thức rõ hơn và chủ động phòng ngừa.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.