Giám sát công trình trọng điểm, dự án BOT ở Đồng Nai

NDO - Ngày 11/10, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã thực hiện giám sát Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) giai đoạn 2019-2024.
Đoàn giám sát tiến hành kiểm tra tiến độ Dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa.
Đoàn giám sát tiến hành kiểm tra tiến độ Dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa.

Các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai Nguyễn Bôn cho biết, phần lớn các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đang bị chậm tiến độ. Một trong những nguyên nhân chính do các vướng mắc, khó khăn trong công tác thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của các địa phương.

Đối với tình hình triển khai các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện 3 dự án với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng.

Trong đó, 2 dự án đã đưa vào vận hành thu phí (đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng; đường 319 nối dài và nút giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây).

Riêng Dự án đường kết nối ra Cảng Phước An dự kiến đưa vào vận hành khai thác trong quý I/2025.

Theo đánh giá, các dự án BOT đã góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực cho nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập.

Đầu tiên do đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là phương thức mới, phức tạp trong khi các cơ quan quản lý còn ít kinh nghiệm. Quy định pháp luật giai đoạn này đối với các dự án BOT chưa lường trước những tác động của dự án đối với người dân, doanh nghiệp…

Giám sát công trình trọng điểm, dự án BOT ở Đồng Nai ảnh 1

Đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi giám sát.

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho rằng, các công trình trọng điểm, công trình giao thông của tỉnh đang được triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị lớn. Việc sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giúp kinh tế của tỉnh phát triển, ngược lại chậm tiến độ dẫn tới ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương vì giao thông có vai trò rất quan trọng.

Hầu hết các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đều gặp khó khăn mà chủ yếu nguyên nhân là do công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chậm vì không có đủ các khu tái định cư bố trí cho người dân. Trong khi, giải phóng mặt bằng là trách nhiệm chính của các địa phương. Do đó, các huyện, thành phố phải có kế hoạch lâu dài trong việc quy hoạch xây dựng các khu tái định cư.

Bởi lẽ, tất cả các dự án đều đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì phải tính toán để triển khai ngay việc quy hoạch xây dựng các khu tái định cư. Phải chủ động thực hiện trước các dự án xây dựng các khu tái định cư.

Theo báo cáo hiện nhu cầu xây dựng các khu tái định cư cần khoảng 150ha. Không thể nói một tỉnh có diện tích lớn không có 150ha đất làm tái định cư.

Đối với kiến nghị liên quan đến các dự án BOT của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường ghi nhận và sẽ có kiến nghị đến cơ quan có chức năng có thẩm quyền.

Cấm xe trên 5 tấn lưu thông trên đường Hoàng Văn Bổn

Giám sát công trình trọng điểm, dự án BOT ở Đồng Nai ảnh 2

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra thực tế tại đường Hoàng Văn Bổn.

* Trước đó, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra thực tế đường Hoàng Văn Bổn, hạng mục thuộc Dự án BOT đường tỉnh 768.

Dự án BOT đường tỉnh 768 bao gồm tổ hợp 6 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 48km. Dự án do Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư.

Thời gian qua, tuyến đường Hoàng Văn Bổn, một hạng mục của dự án, đã bị xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cũng như làm gia tăng nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, do dự án đã tạm dừng thu phí lâu nên nguồn kinh phí để thực hiện duy tu, sửa chữa tuyến đường này gặp nhiều khó khăn.

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan và chủ đầu tư phối hợp điều chỉnh, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt trước khi tiếp tục triển khai thu phí đối với Dự án BOT đường tỉnh 768 theo đúng quy định.

Khảo sát thực tế tại hiện trường tuyến đường Hoàng Văn Bổn, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục để cấm ngay việc lưu thông của các xe tải trên 5 tấn ở đường Hoàng Văn Bổn để đơn vị thi công thực hiện sửa chữa tuyến đường đang xuống cấp trầm trọng.

Theo đó, đề nghị khung giờ cấm từ 6 giờ đến khoảng 21 giờ cùng ngày. Việc này cần thông báo để người dân, người điều khiển các phương tiện biết và nắm bắt thông tin.

Giám sát công trình trọng điểm, dự án BOT ở Đồng Nai ảnh 4

Tuyến đường Hoàng Văn Bổn xuống cấp trầm trọng thời gian qua, trở thành nổi ám ảnh của người dân sống hai bên đường và các phương tiện lưu thông.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị sau khi cơ quan chức năng lắp đặt biển báo cấm xe tải trên 5 tấn lưu thông trong khung giờ trên thì Công an tỉnh bố trí 2 tổ Cảnh sát giao thông kiểm tra việc chấp hành của người điều khiển phương tiện.

Trong tuần đầu thực hiện, hướng dẫn, nhắc nhở người điều khiển phương tiện vi phạm vì có thể thời điểm này người điều khiển chưa nắm bắt được thông tin. Sau đó, 1 tuần triển khai thì thực hiện xử phạt đối với các phương tiện vi phạm.

Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ sữa chữa tuyến đường Hoàng Văn Bổn. Bởi, theo kế hoạch đến khoảng 20/10 hoàn thành nhưng cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước thời điểm trên.

Sau khi hoàn thành sửa chữa tuyến đường, các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, đề xuất giải pháp phân luồng giao thông trên đường Hoàng Văn Bổn để vừa bảo đảm an toàn giao thông cho người dân khi lưu thông trên tuyến đường này vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.