Theo bà Phạm Thị Xuân, Phó Chủ tịch Phụ trách Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, hằng năm, lĩnh vực chăn nuôi đóng góp 25-26% vào GDP của ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất. Hơn 1 thập kỷ qua, lĩnh vực này duy trì mức tăng trưởng từ 4,5 đến 6%. Do vậy, đã từ lâu, chăn nuôi được xác định là một ngành chủ lực, cần phải chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Ước tính mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và hơn 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính.
“Chuyển đổi xanh hiện nay đang là xu hướng không thể đảo ngược. Ngành chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính như khí CH4, CO… có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu. Vì vậy, việc giảm phát thải trong chăn nuôi là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết”, bà Xuân cho biết thêm.
Tại Diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Chăn nuôi Việt Nam và các nhà khoa học đã tập trung nêu ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của ngành chăn nuôi về thiết bị, cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, công nghệ cho việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp giúp các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện giảm phát thải hiệu quả, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP 26…
Quản lý môi trường chăn nuôi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải
Theo TS. Nguyễn Thế Hinh-Phó Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, theo số liệu thống kê năm 2022, Việt Nam có khoảng 8 triệu con trâu bò, 24,7 triệu con lợn và 380 triệu con gia cầm. Theo Chiến lược Phát triển chăn nuôi được phê duyệt, năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 10 triệu trâu bò, 30 triệu lợn và khoảng 670 triệu con gia cầm.
Kết quả kiểm kê khí nhà kính cho thấy, ngành chăn nuôi hằng năm thải ra khoảng 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19% lượng phát thải trong nông nghiệp. Có 2 loại khí nhà kính (KNK) chủ yếu được phát thải từ chăn nuôi là khí mêtan (CH4) và khí ôxít nitơ (N2O). Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 tấn khí CH4 gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 28 tấn CO2 và 1 tấn khí N2O gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 265 tấn CO2.
Theo bà Trần Thị Bích Ngọc, Chuyên viên Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tần Ozon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi đang gặp phải một số khó khăn như: Tư duy hệ thống trong chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả; tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế, môi trường chưa là trung tâm của các quyết định phát triển; vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững; thị trường các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ; nguồn lực cho thực hiện việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất lớn nhưng thực tiễn lại chưa đáp ứng yêu cầu, nhận thức, kiến thức về các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải còn hạn chế.
PGS, TS Cao Thế Hà, trường Đại học Việt-Nhật, Đại học quốc gia Hà Nội đã nêu một số đề xuất công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn theo hướng kinh tế tuần hoàn bao gồm: đề xuất xử lý bằng hầm biogas; xử lý nước/chất thải giàu C, N, P và vi sinh có hại; áp dụng nguyên lý “không thải”. Các công nghệ cũ nếu được nếu được kiểm soát tốt sẽ giải quyết được vấn đề bảo vệ môi trường.
Hiện các doanh nghiệp, cơ sở trong ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, nguồn nhân lực trong việc xử lý chất thải và kiểm kê khí nhà kính. Đồng thời, hành lang pháp lý và các quy định, chính sách cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Qua trao đổi, thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, ngành chăn nuôi đang nỗ lực chung tay thực hiện mục tiêu Net Zero, đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 bằng nhiều giải pháp khác nhau. Do đó, cần có các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, ngành chăn nuôi giảm phát thải.