Giảm cân đến suy kiệt, cẩn trọng mắc bệnh chán ăn tâm thần

NDO - Sau khi bị bạn bè trêu béo phì, cậu bé 13 tuổi đã tìm đến các biện pháp giảm cân như nhịn ăn, tập thể dục cường độ cao, stress nặng nề vì cân nặng. Ám ảnh cân nặng khiến cậu bé rơi vào trạng thái chán ăn tâm thần, phải điều trị một thời gian dài. 
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia chia sẻ về bệnh lý chán ăn tâm thần.
Các chuyên gia chia sẻ về bệnh lý chán ăn tâm thần.

Chán ăn tâm thần sau khi ép giảm cân

Vốn là cậu bé vui vẻ, có cuộc sống rất hạnh phúc, nhưng chỉ vì lời chê về trạng béo phì so với các bạn cùng trang lứa với chiều cao 1m56, nặng 67kg, bé trai 13 tuổi suy nghĩ nhiều, dần trở nên thu mình, không thích chơi với các bạn, không thích tham gia các hoạt động ở trường lớp như trước.

Sau đó, người bệnh tự tìm hiểu về các phương pháp giảm cân trên mạng xã hội bằng việc chọn bữa ăn dinh dưỡng và thực hiện các bài tập thể dục đốt cháy mỡ thừa (HIT) với cường độ cao ( khoảng 1-2 tiếng/ngày) nhằm giảm cân.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Linh, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước khi vào viện 2 tháng, bệnh nhân cao 1m73, nặng 51kg. Gia đình khuyên bệnh nhân nên ngừng việc ăn kiêng và luyện tập thể dục điều độ hơn.

"Người bệnh lo sợ nếu không duy trì chế độ ăn và tập thể dục như cũ, cân nặng sẽ tăng lên và sẽ bị béo, khi không tập thể dục người bệnh có cảm giác đau khổ bồn chồn bứt rứt, khó chịu trong người, bắt buộc phải tập luyện theo chế độ.

Từ đó, người bệnh trở nên ít nói chuyện với mọi người, kể cả bố mẹ và bạn bè trong lớp học, giảm hứng thú với các sở thích trước đó (bóng đá, bơi lội, …), chỉ tập trung vào việc tập thể dục và ăn kiêng để giữ cân nặng", bác sĩ Linh cho hay.

Người bệnh được đưa đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, phát hiện mạch chậm dao động trong khoảng 50-56 lần/phút được làm các xét nghiệm, chẩn đoán Nhịp chậm xoang TD cường phó giao cảm, giảm canxi máu. Người bệnh được chỉ định điều trị ngoại trú, bổ sung vi chất, cải thiện chế độ ăn uống, giảm luyện tập.

Tuy nhiên khi về nhà, người bệnh vẫn ăn uống ít và tập luyện cường độ cao như trước, vì nghĩ rằng như vậy là hoàn toàn phù hợp và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bản thân.

Trước tình hình đó, người bệnh được yêu cầu khám thêm chuyên khoa Tâm thần và có chỉ định nhập viện Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được chẩn đoán chán ăn tâm thần/nhịp chậm xoang.

Các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị, trong đó có phương pháp trị liệu tâm lý cá nhân, giúp người bệnh giảm dần thời gian tập luyện thể lực cường độ cao, thay thế bằng các bài tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Sau khoảng thời gian 1,5 tháng ra viện, người bệnh bắt đầu ăn uống tốt hơn, tăng dần khối lượng ăn uống, đạt 100% theo lứa tuổi, có hứng thú ăn uống và cảm giác ngon miệng kèm theo không còn cảm giác sợ tăng cân. Khám lại sau 2 tháng, tình trạng cảm xúc và ăn uống của người bệnh tiến triển tốt.

Trẻ dậy thì dễ mắc bệnh chán ăn tâm thần

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, thời gian gần đây, viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân chán ăn tâm thần.

Theo các bác sĩ, ở Việt Nam dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng hiện tỷ lệ mắc chứng chán ăn cũng gia tăng. Chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống do hạn chế năng lượng nạp vào so với nhu cầu. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân và hình ảnh cơ thể bị biến dạng, thậm chí không thể nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình trạng trọng lượng cơ thể thấp.

Có 2 loại chán ăn tâm thần. Trường hợp thứ nhất là hạn chế ăn uống, người bệnh hạn chế lượng thức ăn nạp vào bằng cách ăn càng ít càng tốt. Trường hợp thứ hai là người bệnh ăn thức ăn nhưng sau đó bị nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài.

Bệnh nhân chán ăn tâm thần cũng thường cố gắng giảm cân bằng cách tập thể dục quá mức. Dù giảm được bao nhiêu cân, họ vẫn sợ tăng cân. Thậm chí, có những bệnh nhân khi nhập viện để điều trị nội trú vẫn mang theo chiếc gương lớn để đánh giá cơ thể của mình hàng ngày, ép buộc cơ thể phải thật hoàn mỹ.

"Căn bệnh này thường bắt đầu khi bệnh nhân bước vào tuổi vị thành niên, thường là khi bắt đầu dậy thì và hình dạng cơ thể thay đổi. 85% bệnh nhân ở độ tuổi từ 13-18. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh dưới 15 tuổi ngày càng tăng", bác sĩ Sơn Tùng cho hay.

Rối loạn ăn uống, đặc biệt là chán ăn, không chỉ xảy ra ở lứa tuổi trẻ, mà gần đây, đã có nhiều ghi nhận ở lứa tuổi trung niên ở cả nam và nữ.

Để nhận biết trẻ mắc bệnh, bác sĩ Vũ Sơn Tùng chỉ dẫn một số lưu ý: bệnh nhân thường giảm cân quá mức hoặc không làm tăng cân theo tiêu chuẩn phát triển, bệnh nhân có ngoại hình mỏng manh, thon gọn quá mức.

Bệnh nhân còn có dấu hiệu mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt hoặc ngất xỉu, móng tay đổi màu xanh, tóc mỏng, dễ gãy hoặc rụng, lông tơ mềm phủ khắp cơ thể, bệnh nhân bị mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt, nhịp tim tăng hoặc giảm bất thường.

Ở mức nghiêm trọng nhất, bệnh có thể gây tử vong. Bệnh nhân có thể tử vong đột ngột ngay cả khi không bị thiếu cân do rối loạn nhịp tim, mất cân bằng điện giải.

Ngoài các biến chứng về thể chất, những người mắc chứng chán ăn cũng thường mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo âu và các rối loạn cảm xúc khác, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhân cách, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, có các hành vi tự hủy hoại, có ý tưởng và hành vi tự sát...

Bởi vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, bệnh nhân và gia đình thường không nghĩ mình mắc tâm thần nên hầu hết đều đi khám nhiều chuyên khoa khác. Do đó, bác sĩ Sơn Tùng khuyến cáo người bệnh cần đến khám và điều trị tại đúng chuyên khoa Tâm thần để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và để việc điều trị đạt được hiệu quả cao nhất.