Đừng liều với giảm cân!

Giảm béo là nhu cầu chính đáng của nhiều người, đặc biệt với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, thay vì tập luyện và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhiều người lựa chọn các biện pháp giảm cân cấp tốc, gây nguy hại đến sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn sức khỏe tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Tư vấn sức khỏe tại cơ sở khám, chữa bệnh.

“Nhắm mắt” sử dụng không lường hậu quả

Vào tuổi trung niên, chị N.K.H bỗng tăng cân đột ngột, lên những 14kg chỉ trong vài tháng, chạm mốc 78kg trong khi chiều cao của chị là 1m50. Chị trở nên tự ti, ngại giao tiếp. Khi đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ khuyến cáo chị cần giảm cân vì đã mắc máu nhiễm mỡ, ảnh hưởng đến tim mạch.

Chị lao vào tìm kiếm những phương pháp giảm cân nhanh nhất có thể. Sau khi tìm hiểu và được mời chào nhiều qua mạng, chị H quyết định dùng thực phẩm hỗ trợ giảm cân. Chị H kể lại: “Tôi dùng thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân được quảng cáo qua những người bán hàng online, không hề được bác sĩ chỉ định. Cùng lúc, tôi dùng hai loại thực phẩm chức năng có đề tiếng nước ngoài, uống theo chỉ dẫn của người bán hàng online vì được quảng cáo sẽ giảm cân rất nhanh, rất hiệu quả!”.

Chị H còn kết hợp ăn kiêng nhằm giảm cân nhanh hơn nữa. Chị ăn ít lại, hạn chế tối đa tinh bột, thịt cá, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nhịn bữa sáng và tối. Nhưng rồi chị thấy cơ thể mệt mỏi hơn, thường xuyên mất ngủ, đau mỏi vai gáy, đau lưng dưới. Vẫn nghĩ là do giảm cân nên mệt một chút cũng không sao, cứ thế, được hơn một năm thì cơ yếu hẳn đi, chị H làm những việc nhẹ nhất cũng thấy hoa mắt chóng mặt, người lừ đừ, không có sức sống và cuối cùng gia đình phải đưa chị đến Bệnh viện Bạch Mai. Chị được chẩn đoán suy nhược cơ thể do dùng thuốc giảm cân và chế độ dinh dưỡng không phù hợp.

Ngoài trường hợp chị H, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận các trường hợp bị suy kiệt, hạ huyết áp, đường huyết, tiêu chảy, loét dạ dày…, thậm chí có trường hợp phải đánh đổi cả tính mạng do việc thanh lọc cơ thể sai cách hay uống các loại sản phẩm giảm cân. Mới đây một phụ nữ 37 tuổi ở Hà Nội vì uống cà-phê giảm cân đã suýt mất mạng! Sau khi uống loại cà-phê này tới ngày thứ ba, chị thấy mệt, cảm giác khó thở, sang ngày thứ tư, sau uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát, háo nước, hạ thân nhiệt đột ngột. Đến khi bất tỉnh, co giật toàn thân, sùi bọt mép, tiểu tiện không tự chủ, chị được gia đình đưa đi cấp cứu. Kết quả chụp chiếu cho thấy não bị tổn thương.

Thiếu bền vững

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, gói cà-phê giảm cân mà bệnh nhân nữ sử dụng được gửi tới Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm, cho thấy có chứa Sibutramine. Đây là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng chất này từ năm 2010.

TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam cảnh báo, người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo giảm cân siêu tốc. Bởi trong các sản phẩm giảm cân “ồ ạt” như vậy, có thể sẽ bị đưa thêm vào một số chất gây mất nước và kích thích tăng chuyển hóa của cơ thể hoặc kích thích đốt cháy mỡ cơ thể. Tuy nhiên khi dừng uống thuốc thì cân nặng lại quay về như cũ. Do đó, giảm cân bằng thuốc không phải là biện pháp bền vững. Người sử dụng có thể đối mặt nhiều tác dụng phụ do mất nước, buồn nôn, chóng mặt…

Với chế độ thanh lọc cơ thể (hay còn gọi là detox), TS dinh dưỡng Cao Thị Thu Hương phân tích, não là cơ quan vô cùng quan trọng. Khi giảm đột ngột khẩu phần ăn, chỉ dùng các loại thức uống như nước chanh, nước đường, mật ong… tuy có chất đường nhưng không thể cung cấp đủ chất cho cơ thể. Não thiếu năng lượng, cơ thể thiếu hụt vitamin, sẽ gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan.

GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng lưu ý, một số chế độ ăn không cân bằng, giảm năng lượng bằng cách giảm tinh bột rất nguy hiểm. Nếu ta không ăn đủ tinh bột thì cơ thể bắt buộc phải chuyển đổi từ các chất khác có từ mỡ, từ cơ, từ protit sang tinh bột. Con đường chuyển đổi này tương đối đặc biệt. Quá trình đó sẽ sinh ra gốc tự do không tốt cho sự phát triển của cơ thể.

“Cơ quan dược phẩm và thực phẩm của Mỹ FDA mới chỉ công nhận chỉ khoảng 3-4 loại thuốc được sử dụng trong điều trị béo phì. Những loại thuốc quảng cáo đầy rẫy trên mạng, hay qua mách nước rất nguy hiểm. Muốn giảm cân bền vững phải kết hợp chế độ dinh dưỡng, chế độ vận động hợp lý và lối sống lành mạnh, tích cực” (GS, TS Trần Bình Giang).