Giảm áp lực gia tăng dân số già, biến thách thức thành cơ hội

Việt Nam hiện trong tốp 15 nước có hơn 100 triệu dân, trong đó gần 17 triệu người cao tuổi. Số người cao tuổi ngày càng nhiều và gia tăng nhanh, đó là “phúc” của dân tộc cũng như của mỗi nhà, là thành tựu của sự phát triển; đồng thời là thách thức không nhỏ đối với kinh tế, bảo hiểm và hệ thống an sinh xã hội. Làm thế nào để giảm bớt áp lực, biến thách thức thành cơ hội?
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tốc độ tăng dân số và già hóa ở Việt Nam

Dân tộc ta là một dân tộc có sức sống mãnh liệt, luôn luôn đề cao sự phát triển nòi giống.

Ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tìm người tài đức đăng trên Báo Cứu Quốc số 411: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”. Như vậy, mặc dù trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, kể từ ngày ấy, dân số nước ta đã tăng lên 5 lần, so với mức tăng 3,2 lần của thế giới.

Sự tăng trưởng ấy làm cho nước ta thành một cường quốc dân số (100,3 triệu), một nước có vị thế quan trọng trên thế giới. Nếu như cha ông ta trước đây tính một đời người là khoảng 30 năm thì nay tuổi thọ trung bình là 73,7.

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn “dân số vàng”, giai đoạn mà người trong độ tuổi lao động gấp đôi người phụ thuộc (trẻ dưới 15 và già trên 65) nhưng lại cũng đang trong xu thế già hóa nhanh, mức sinh giảm.

Quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi ở các nước phát triển, quá trình này kéo dài hàng trăm năm.

Điều đáng lưu ý là, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi ở các nước phát triển, quá trình này kéo dài hàng trăm năm. Theo cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, năm 2023, Việt Nam có gần 17 triệu người cao tuổi, trong đó 2/3 người cao tuổi trong độ tuổi sơ lão (từ 60-69 tuổi).

Người cao tuổi tăng nhanh, tức người phụ thuộc tăng, người lao động giảm. Đang có 2/3 số người ở độ tuổi sơ lão, tức phần lớn người cao tuổi ở nước ta vẫn còn sức khỏe tốt, là lớp người tích luỹ được nhiều kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.

Bởi vậy chúng ta phải chạy đua nhanh với thời gian; chúng ta có khả năng biến thách thức thành cơ hội.

Đó đang là yêu cầu bức thiết, đòi hỏi cả xã hội phải có nhận thức đúng, hành động kịp thời để hỗ trợ, khai thác tiềm năng của người cao tuổi, vượt qua thách thức, phát huy mọi nguồn lực, biến khát vọng thành sức mạnh hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta thành một nước phát triển cao, nhân dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc vào dịp kỷ niệm 100 năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Người cao tuổi đang cần điều gì?

Người cao tuổi hiện nay là lớp người đã kinh qua kháng chiến, đã góp công lao to lớn để giành lại độc lập dân tộc, đem lại hòa bình cho đất nước. Họ cần được chăm sóc, đền đáp. Đó là đạo lý, là hạnh phúc của con cháu.

Họ không phải người thừa, người phụ thuộc hay gánh nặng của xã hội mà thật sự là “vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam” như Bác Hồ từng nói. Trong mỗi gia đình, cũng như trong xã hội, trong các cấp, các ngành, nếu thật sự thấm nhuần điều ấy, thì chúng ta sẽ đến với người cao tuổi trong tình thương bao la, sẽ cảm thấy niềm vui, hạnh phúc, sự phấn chấn khi đem lại cho người cao tuổi những điều tốt đẹp nhất.

Họ không phải người thừa, người phụ thuộc hay gánh nặng của xã hội mà thật sự là “vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi không nhấn mạnh về điều đó. Mà phải làm thế nào để khai thác được kinh nghiệm, tiềm năng của lực lượng lao động người cao tuổi, để lực lượng gần 20% dân số đó tự cải thiện đời sống của mình, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã có. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình”.

Trên thực tế, với sự năng động của chính mình, người cao tuổi trong cả nước đã phát huy tinh thần cần cù lao động, chịu thương chịu khó vẫn là những người lao động chân chính, đôi khi vẫn là trụ cột, là người tạo ra nguồn thu nhập chính trong gia đình, là gương sản xuất giỏi. Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi tháng 11/2023 có 346 đại biểu thay mặt cho 455.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc trong số trên 7 triệu người cao tuổi còn trực tiếp sản xuất, kinh doanh, một hội nghị được cả nước quan tâm, theo dõi là một minh chứng hùng hồn.

Tuy nhiên, tiềm năng lao động người cao tuổi vẫn còn lớn. Và bộ phận người cao tuổi có đời sống khó khăn cũng không nhỏ khi 2/3 số người cao tuổi không có lương hưu, tuổi cao bệnh tật càng nhiều.

Hội Người cao tuổi thấy rằng, các ngành, các địa phương cần phối hợp tốt hơn nữa với tổ chức hội để khẩn trương thực hiện các mục tiêu theo các nhiệm vụ và giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã kết luận gồm: Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi; hoàn thiện chính sách về việc làm, dạy nghề, đào tạo chuyển đổi nghề; tạo việc làm, hướng nghiệp, nhất là cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ thí điểm mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; ưu tiên cho người cao tuổi được vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Về phía Hội người cao tuổi, phải thay đổi mạnh mẽ về công tác tổ chức và phương thức hoạt động. Chậm nhất, quý II năm 2024, phải chuyển đổi xong mô hình từ Ban Đại diện thành Hội người cao tuổi bảo đảm chính danh để các cấp hội hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào khởi nghiệp của người cao tuổi; thúc đẩy việc làm; xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi tại địa phương để huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác chăm sóc người cao tuổi…

Trước mắt, Trung ương Hội đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Đề án hỗ trợ người cao tuổi việc làm, khởi nghiệp trong bối cảnh già hóa dân số nhanh ở Việt Nam.

“Tự cứu lấy mình” là một phương diện. Nước ta có Đảng lãnh đạo, có hệ thống chính trị tiến bộ, vững vàng từ trên xuống dưới. Tin rằng, với sự chung tay góp sức tích cực của toàn xã hội; với những đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người cao tuổi không chỉ được chăm lo theo kiểu “trẻ cậy cha, già cậy con” mà còn được tạo điều kiện, nhất là mở rộng thị trường lao động phù hợp, tăng cường nguồn lực tài chính, động viên thích đáng cho tổ chức hội, cho từng hội viên để người cao tuổi đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp phát triển đất nước, tỏ rõ “Tuổi già nhưng chí không già/Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Hội Người cao tuổi chủ động đề xuất, được Chính phủ chấp thuận, xây dựng và ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 gồm một số mục tiêu: Giai đoạn 2022-2025, ít nhất 50% số người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; ít nhất 20.000 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm; ít nhất 10.000 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi...