Cải thiện
chất lượng sống
cho người cao tuổi

Theo số liệu từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Già hóa dân số đặt ra những thách thức mới đòi hỏi mỗi nước cần thay đổi về chính sách để tháo gỡ, thích nghi kịp thời và phù hợp hơn. Ở Việt Nam, người cao tuổi thường nhận được sự chăm sóc từ người thân nhưng hỗ trợ từ phía gia đình ngày càng trở nên khó khăn và nhiều bất cập, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Thông tin từ Hội nghị Lão khoa Quốc gia vừa qua, một người cao tuổi mắc nhiều loại bệnh mạn tính, chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc gấp 7-10 lần người trẻ. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người cao tuổi chỉ khoảng 538.000 đồng/tháng, chủ yếu từ bảo trợ xã hội, lương hưu; chỉ có 62,79% người cao tuổi có bảo hiểm y tế...

Chăm sóc người cao tuổi là vấn đề rất nhiều gia đình đang loay hoay tìm cách giải quyết, bởi đây là công việc đặc thù, nhiều trường hợp người nhà không đủ kỹ năng và chuyên môn để chăm sóc hiệu quả. Trong khi đó, vấn đề này thường được coi là việc cá nhân mỗi gia đình, chưa được nhìn nhận thấu đáo và quan tâm đúng mức. Tiêu điểm Cải thiện chất lượng sống cho người cao tuổi mong muốn đưa ra tiếng nói nhằm chung tay góp phần cải thiện chất lượng sống cho người cao tuổi.

An sinh cho người cao tuổi
trước xu hướng già hóa dân số

Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Những năm trở lại đây, số người cao tuổi tăng nhanh trong cơ cấu dân số, số người hơn 60 tuổi dự báo đến năm 2050 sẽ đạt 28%. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phát triển hệ thống an sinh xã hội tích hợp, đa tầng và hiện đại thích ứng với già hóa dân số nhanh.

Thách thức trước tình trạng già hóa dân số

Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011, khi tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tăng khá nhanh từ 10,09% năm 2011 lên 10,43% năm 2012 và đạt 13,17% năm 2022. Theo dự báo, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già của Việt Nam là khoảng 26 năm, từ năm 2011 đến năm 2036 với tỷ lệ 14,17%. Như vậy, chỉ còn hơn 10 năm nữa, Việt Nam sẽ chính thức bước vào thời kỳ dân số già, khi giai đoạn dân số vàng chưa kết thúc.

Trước tình trạng già hóa dân số, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 (theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ) với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Cùng với đó, hệ thống luật pháp, chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng được quan tâm hoàn thiện. Luật Người cao tuổi quy định trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Đối tượng này được ưu tiên trong khám, chữa bệnh, theo luật và thể hiện trong các Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 của Bộ Y tế.

Năm 2021, theo Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 4,65 triệu người cao tuổi đang tham gia các hoạt động kinh tế, chiếm 32,4% tổng số người cao tuổi cả nước. Một nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay hầu hết người cao tuổi gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm (81,8% ở nam giới và 69% ở nữ giới cao tuổi được khảo sát) với những vướng mắc phổ biến như: không có nhiều thông tin về việc làm, không biết tìm việc ở đâu; khó tiếp cận khoản vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không muốn tuyển dụng người cao tuổi vào làm việc. Phần lớn người lao động cao tuổi đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động và điều kiện làm việc hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là các giải pháp, chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi, cũng như tạo công ăn việc làm cho người cao tuổi có nhu cầu dù được ban hành, song mới chỉ tập trung vào lực lượng lao động cao tuổi trình độ cao. Một số chính sách như tín dụng ưu đãi, đào tạo cho người cao tuổi có nhu cầu phát triển việc làm còn chưa khả thi do thiếu các hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng trống trong nâng cao năng lực cho người cao tuổi để bắt kịp với khoa học kỹ thuật, công nghệ và đáp ứng với yêu cầu của công việc trong kỷ nguyên số. Vấn đề học tập suốt đời đã được đề cập đến trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đây là thách thức lớn cho toàn dụng nguồn nhân lực cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, Ninh Bình dịp 27/7/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, Ninh Bình dịp 27/7/2023.

Hướng tới hệ thống chăm sóc xã hội toàn diện
cho người cao tuổi

Năm 2021, cả nước có khoảng 14,35 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 6,57 triệu người được hưởng chính sách xã hội gồm chế độ hưu trí và trợ cấp xã hội, chiếm 45,78% tổng số người cao tuổi. Như vậy, vẫn còn hơn 50% người cao tuổi hiện chưa được hưởng chính sách xã hội, phải sống dựa vào nguồn tiết kiệm hoặc dựa vào con cái và người thân, hoặc tiếp tục làm việc để kiếm sống với mức thu nhập thấp.

Hiện cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 190 cơ sở công lập và 235 cơ sở ngoài công lập. Chỉ có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, còn lại là 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội. Đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với tổng số người cần trợ giúp chăm sóc xã hội ở nước ta; chỉ có dưới 10% số cơ sở có các dịch vụ tham vấn, tư vấn, đánh giá sức khỏe tâm thần, trị liệu tâm lý xã hội.

Trong những năm qua, việc chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng được Nhà nước khuyến khích nhân rộng với các hình thức chăm sóc tại nhà bởi các thành viên trong gia đình hoặc các tình nguyện viên và mô hình các câu lạc bộ, đặc biệt câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Theo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, năm 2019 cả nước có 9.839 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; 5.400 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập ở 63/63 tỉnh thành. Các câu lạc bộ này đóng góp rất nhiều cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi ở cộng đồng, phát huy tốt vai trò của người cao tuổi, được bản thân người cao tuổi, cộng đồng và chính quyền địa phương đón nhận.
Tuy nhiên, nội dung chăm sóc sức khỏe được lồng ghép trong sinh hoạt của câu lạc bộ còn ít, chưa đầy đủ; các thành viên gia đình, tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi còn thiếu tính chuyên nghiệp, kém đa dạng về dịch vụ, thiếu chuyên môn sâu.

Vẫn còn nhiều việc phải làm trong truyền thông cũng như công tác người cao tuổi hiện nay. Xóa bỏ rào cản về tuổi tác, trong cả chính sách lẫn thực tiễn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người cao tuổi là một trong những nội dung cần chú trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát thực hiện luật pháp, chính sách để người cao tuổi được tiếp cận vốn vay, đào tạo lại và đào tạo nghề mới, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về các hoạt động và việc làm. Thực tiễn cũng đòi hỏi có chương trình quốc gia về việc làm cho người cao tuổi; sửa đổi Luật Người cao tuổi, Luật Việc làm để có các quy định về tạo việc làm phù hợp, có dịch vụ đào tạo, giới thiệu việc làm cho người cao tuổi; giảm tuổi được hưởng và tăng số tiền trợ cấp xã hội; tăng cường các câu lạc bộ/tổ/nhóm để thu hút người cao tuổi, đặc biệt phụ nữ cao tuổi tham gia các hoạt động nhằm tăng thu nhập; truyền thông cho người dân về sự cần thiết phải tiết kiệm cho tuổi già...
 Những gợi ý trên đây chỉ mang tính tổng quát. Cần có những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia chăm sóc dài hạn toàn diện cho người cao tuổi; xây dựng và phát triển chính sách bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi theo lộ trình. Phát triển mạng lưới các cơ sở chăm sóc xã hội theo phương thức đối tác công-tư nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người cao tuổi bao gồm các nhà dưỡng lão, các trung tâm bảo trợ xã hội; phát triển và nhân rộng mô hình cơ sở xã hội cho người cao tuổi tại cộng đồng, nhất là loại hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Khuyến khích sự tham gia của những người trẻ tuổi trong công việc tình nguyện giúp đỡ người cao tuổi, để giúp họ trải nghiệm và có ý thức chuẩn bị cho tuổi già là một trong những nội dung cần chú trọng hơn trong thời gian tới.

Một số mục tiêu Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
- 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
- Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025; đạt 85% năm 2030.
- Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030.
- Mở rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% năm 2025; đạt 100% năm 2030.
- Số quận, huyện thí điểm, phát triển mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi đạt 20% năm 2025; 50% năm 2030. Số tỉnh, thành phố có mô hình Trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt 25% năm 2025; đạt 100% năm 2030.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Minh Hoàng-Tùng Duy-Thanh Phương-Hà Thư
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Ngọc Huyền, nguồn internet