95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế

Công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tiếp tục được quan tâm trong thời gian qua. Tới nay, 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội năm 2023. (Ảnh: nhandan.vn)
Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội năm 2023. (Ảnh: nhandan.vn)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm. Tới nay, 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu. Hằng năm, tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1 triệu người cao tuổi. Có ít nhất 95% các tỉnh, thành phố có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi. Cả nước có 86% số xã, phường, thị trấn duy trì và hoạt động Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi với tổng số tiền huy động gần 300 tỷ đồng.

Tới nay, 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cơ quan này cũng đang nghiên cứu, xây dựng đề cương Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi; đánh giá một số nội dung Luật Người khuyết tật và nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Trợ giúp xã hội.

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9/2/2023, cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân. Trong đó, số người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi là 9.417.924 người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là 4.189.640 người, từ 80 đến dưới 90 tuổi là 1.907.991 người, từ 90 đến dưới 100 tuổi là 623.221 người, từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin thêm, tính tới hết năm 2023, chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng đang được thực hiện cho 3,356 triệu người đối tượng bảo trợ xã hội và 349.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng.

Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ước đạt hơn 27.000 tỷ đồng. 14 tỉnh, thành phố đã chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp cao hơn mức quy định cho khoảng 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng.

Công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích được triển khai tại 61 tỉnh, thành phố với hơn 11.000 điểm chi trả bao phủ đến tận xã, phường; các phương thức chi trả bảo đảm thuận tiện và phù hợp đặc điểm của đối tượng thụ hưởng chính sách.

Cũng trong năm, hơn 1,6 triệu người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng đã được trợ cấp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Hơn 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật, gần 1 triệu người khuyết tật được vay vốn phát triển sản xuất. Cùng với đó, hơn 120 nghìn lượt người khuyết tật được miễn giảm giá vé giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không. Quỹ quốc gia về việc làm và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hơn 3.000 dự án của lao động là người khuyết tật, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động thuộc nhóm đối tượng yếu thế này.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang được triển khai, qua đó, phát triển số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội của 425 cơ sở trợ giúp xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Nhìn chung, đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp trong xã hội được hỗ trợ tiếp cận, thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập.

Năm 2023, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói. Hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời. Hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời, đạt mục tiêu.