Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải chính cho chủ nhân giải VinFuture mùa thứ nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải chính cho chủ nhân giải VinFuture mùa thứ nhất.

Giải thưởng VinFuture: Mơ ước vươn tầm quốc tế của giới khoa học công nghệ Việt

NDO - Việc hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman đạt giải VinFuture mùa đầu tiên vừa được trao giải Nobel về Y sinh năm 2023 đã tạo dấu ấn lớn với giới khoa học thế giới về giải thưởng có giá trị hàng triệu USD do Việt Nam khởi xướng. Chỉ còn gần một tháng nữa, giải thưởng VinFuture mùa thứ 3 sẽ xướng tên nhà khoa học được vinh danh. 

Được đánh giá có sự tương đồng với giải thưởng lớn trên thế giới như Nobel, Fields…, giải VinFuture đã và đang được chờ đón như một "điểm hẹn" của các nhà khoa học trong và ngoài nước vào dịp cuối năm.

DẤU ẤN TẦM CỠ QUỐC TẾ CỦA VINFUTURE

VinFuture và Nobel dường như đã có sự gần tương đồng về giải thưởng. Đây là vinh dự cho Việt Nam vì đã trao được giải cho nhà khoa học xứng đáng giải thưởng ngay từ cách đây 3 năm. Trước đây, mọi người thường so sánh giải thưởng về tổng giá trị tiền được trao, nhưng giờ với sự vinh danh này cho thấy VinFuture gần có sự tương đồng cả về chất lượng với Nobel. Tôi hy vọng 2 nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman sẽ giúp VinFuture tạo ra sự lan tỏa lớn với cộng đồng quốc tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật (Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ khi là người theo dõi giải thưởng VinFuture trong suốt 2 mùa giải qua.

Theo nhà khoa học này, giải VinFuture đã mang tới cho cộng đồng khoa học Việt Nam một luồng gió mới, một cơ hội để các nhà khoa học trong nước gặp được nhiều thần tượng của mình.

Việc các nhà khoa học trong nước được tham dự các hội thảo bên lề của giải VinFurture, được gặp gỡ giao lưu với các nhà khoa học lừng danh thế giới là một nguồn cảm hứng to lớn bên cạnh việc học hỏi về chuyên môn, giúp họ có mạng lưới kết nối với giới khoa học bên ngoài Việt Nam.

Giải thưởng VinFuture: Mơ ước vươn tầm quốc tế của giới khoa học công nghệ Việt ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật (Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trên bình diện quốc tế, giải thưởng VinFuture có quy mô, chất lượng, giá trị và uy tín gần với giải Nobel. Năm nay, 2 nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman đạt giải VinFuture mùa đầu tiên vừa được trao giải Nobel về Y sinh. Đây là điều đặc biệt và bất ngờ.

“Tôi nghĩ sẽ có thời điểm nào đó 2 nhà khoa học sẽ được giải Nobel nhưng không nghĩ đến sớm như vậy. Điều đấy cho thấy tầm quan trọng trong công trình của 2 nhà khoa học này đã được Hội đồng Giải thưởng VinFuture ‘nhìn ra’ từ rất sớm", Phó Giáo sư Nguyễn Trần Thuật bày tỏ.

Là nhà khoa học đạt giải thưởng quốc tế UNESCO và tham gia vào các khóa đào tạo chứng chỉ cao cấp về sở hữu trí tuệ do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ và Seoul Hàn Quốc), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân (cố vấn khoa học Viện nghiên cứu về công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh) nhận định, giải thưởng VinFuture đã thể hiện được sự đóng góp đáng trân trọng và có trách nhiệm cho đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

“Vinfuture đóng góp rất lớn cho cộng đồng khoa học Việt Nam và quốc tế, góp phần đổi mới tư duy sáng tạo cho ngành khoa học nói chung.

Các nhà khoa học được vinh danh tại giải VinFuture đều xứng đáng và có những đóng góp có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, trong đó, nhà khoa học thắng giải mùa đầu tiên Katalin Karikó và Drew Weissman tiếp tục được vinh danh ở giải Nobel năm nay cho thấy VinFuture đã lựa chọn những nhà khoa học truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ”, Phó Giáo sư Thanh Vân nói.

Vinfuture đóng góp rất lớn cho cộng đồng khoa học Việt Nam và quốc tế, góp phần đổi mới tư duy sáng tạo cho ngành khoa học nói chung.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Tú Bảo (Giám đốc Phòng Thí nghiệm khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán), giải thưởng VinFuture là giải thưởng khoa học quốc tế lớn được tạo ra ở một đất nước có nền khoa học chưa phát triển nhiều, tất nhiên sẽ có những ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Bảo, cần nên nhìn nhận và đánh giá giải VinFuture trong tổ hợp những hoạt động khoa học của VinGroup sẽ thấy rõ hơn giá trị của giải.

Trong khoảng 5-6 năm qua, Vingroup – Tập đoàn được dẫn dắt bởi chính nhà sáng lập Giải thưởng VinFuture - đã đẩy mạnh nhiều hoạt động liên quan đến khoa học và đóng góp cho cộng đồng. Đó là việc thành lập các Viện nghiên cứu dữ liệu lớn (Vin Big data) khi chia sẻ các nguồn dữ liệu và tài nguyên khoa học; Viện nghiên cứu AI (VinAI) với chương trình huấn luyện các tài năng trẻ về AI (AI residency program) và đã tăng rất nhanh số bài báo của Việt Nam ở các hội nghị AI hàng đầu thế giới; Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF với hơn 100 dự án, trên 1.000 học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ, hỗ trợ hàng trăm cố vấn chuyên gia và hơn 130 hội thảo khoa học.

Giải thưởng VinFuture: Mơ ước vươn tầm quốc tế của giới khoa học công nghệ Việt ảnh 2
Giáo sư Hồ Tú Bảo.

“Giải VinFuture đóng góp ở một khía cạnh khác, tôn vinh những nhà khoa học có nhiều đóng góp xuất sắc cho nhân loại, như nhà khoa học Katalin Karikó sau khi nhận giải VinFuture năm 2021 về nghiên cứu mRNA, năm 2023 đã được nhận giải Nobel về Y Sinh. Có thể nói giải VinFuture đã mang nhiều nhà khoa học danh tiếng đến Việt Nam, và ngược lại cũng cho thể giới biết thêm về Việt Nam với một khát vọng phát triển khoa học làm nền móng xây dựng đất nước. Theo nghĩa đó, Giải VinFuture đã cùng các hoạt động khác về khoa học của VinGroup đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển khoa học ở Việt Nam”, Giáo sư Hồ Tú Bảo cho hay.

Việc Việt Nam có giải VinFuture đến mùa thứ 3, với bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (Chuyên gia cấp cao về nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã giúp nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong giới khoa học, nghiên cứu thế giới. Giải thưởng không chỉ tôn vinh sự sáng tạo của các nhà khoa học công nghệ, tôn trọng giá trị của lao động trí tuệ mà giải thưởng còn nhấn mạnh tới tầm ảnh hưởng của công nghệ tới cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn như giải năm 2022 trao cho công nghệ lọc nước, giống lúa chịu được ngập mặn…

Giải VinFuture đã mang nhiều nhà khoa học danh tiếng đến Việt Nam, và ngược lại cũng cho thể giới biết thêm về Việt Nam với một khát vọng phát triển khoa học làm nền móng xây dựng đất nước. Theo nghĩa đó, Giải VinFuture đã cùng các hoạt động khác về khoa học của VinGroup đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển khoa học ở Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Tú Bảo

Trong sơ đồ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học, sáng tạo công nghệ là một trong 8 vai trò quan trọng, VinFuture là giải thưởng đầu tiên ở Việt Nam có giá trị lớn mang tính quốc tế, tôn vinh các nhà sáng tạo công nghệ, nghiên cứu khoa học tầm quốc tế, đem họ đến gần với cộng đồng khoa học Việt Nam, chúng ta có thể nhìn ngắm và trao đổi với họ ở cự ly rất gần trong cả chuyên môn và hình ảnh. Đây là một điều rất tuyệt vời không chỉ với các nhà chuyên môn và đã ảnh hưởng rất lớn đối với cả hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

“Việc các nhà khoa học mang sản phẩm đi tham dự các giải cho thấy sự tôn trọng của họ với Ban tổ chức, tin tưởng vào Hội đồng bình chọn và họ muốn đến một đất nước khác ngoài quốc gia của họ để khám phá và kết nối nhiều thứ, đặc biệt là cộng đồng khoa học”, bà Dung chia sẻ.

Giải thưởng VinFuture: Mơ ước vươn tầm quốc tế của giới khoa học công nghệ Việt ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao giải thưởng chính cho nhóm các nhà khoa học đạt giải mùa thứ 2.

KỲ VỌNG CHO NHÀ KHOA HỌC TRONG NƯỚC

VinFuture đi qua 2 mùa giải, vinh danh 2 nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới, một là “mẹ đẻ” của vaccine Covid-19 và "cha đẻ" của công nghệ web, cáp quang và Internet. Ngoài ra, VinFuture cũng dành riêng phần thưởng cho các nhà khoa học ở nước đang phát triển, nhà khoa học trẻ, nữ giới nhưng hầu hết đều là những nhà khoa học thế giới.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân, hiện Việt Nam là nước có chỉ số đổi mới sáng tạo tăng qua các năm, tuy vậy chúng ta còn phải đầu tư nhiều hơn về mặt cơ chế, tài chính cho khoa học hơn để thúc đẩy nhà khoa học có những thành tựu không thua kém gì các nước phát triển. Hy vọng VinFuture sẽ mở rộng và có thêm các giải thưởng dành khích lệ nhà khoa học Việt Nam nhiều hơn.

“Việt Nam là nước đang phát triển, có nhiều tiềm năng về khoa học công nghệ, nên VinFuture có thể xem xét đặc thù ưu tiên các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về những vấn đề mang tính cấp bách tác động trực tiếp đến Việt Nam và toàn cầu như biến đổi khí hậu, năng lượng xanh, phát triển bền vững…

Trên nền tảng các nhà khoa học Việt Nam được vinh danh, họ được khích lệ và sẽ có nhiều động lực theo đuổi các nghiên cứu trọng điểm và mang lại các kết quả nghiên cứu ứng dụng cho Việt Nam, nâng tầm cho khoa học công nghệ Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới về khoa học công nghệ”, Phó Giáo sư Thanh Vân bày tỏ.

Giải thưởng VinFuture: Mơ ước vươn tầm quốc tế của giới khoa học công nghệ Việt ảnh 4

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân (cố vấn khoa học Viện nghiên cứu về công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, nhà khoa học từng tham gia với vai trò nhà khoa học đạt giải thưởng quốc tế UNESCO).

Cũng với tâm tư này, Giáo sư Lê Huy Hàm nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp bày tỏ mong muốn, nếu VinFuture tiếp tục kết nối các nhà khoa học được trao giải với cộng đồng khoa học trong nước và thực hiện các dự án cụ thể giải quyết vấn đề bức xúc của Việt Nam để tầm ảnh hưởng của giải thưởng sẽ cụ thể hơn, sâu rộng hơn.

“Về mặt kỳ vọng, tôi cho rằng, VinFuture là giải thưởng có tầm ảnh hưởng quốc tế, do đó, các nhà khoa học Việt Nam để đạt giải thưởng này không dễ. Tôi chỉ mong, các nhà khoa học quốc tế nhận giải thưởng từ Việt Nam, sẽ có cách nào đó quay lại đóng góp cho Việt Nam như đưa ra lời khuyên định hướng phát triển, gợi mở thông tin cho nhà khoa học Việt Nam có được định hướng dài hơi hơn.

Ngoài ra, Quỹ VinIF của Vingroup và giải VinFuture có thể giới thiệu nhà khoa học đã từng đạt giải đến các hội thảo trong nước. Tại đây họ sẽ trình bày các bài báo cáo, các kinh nghiệm… và tôi tin tầm ảnh hưởng của họ sẽ dần nhen nhóm, giúp ích với các nhà khoa học trong nước có được thêm sự hiểu biết, kiến thức và xây dựng được chiến lược dài hơi cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình”, Giáo sư Lê Huy Hàm đề xuất.

Nhờ VinFuture, tôi nghĩ các nhà khoa học Việt Nam sẽ tự tin, dũng cảm hơn trong việc sẵn sàng dấn thân trong nghiên cứu khoa học dù còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật

Trên thực tế, điều này đã được VinFuture hiện thực hóa trong suốt 2 năm qua. Nổi bật trong đó là chuỗi hội thảo trực tuyến về khoa học công nghệ (InnovaTalk webinar) được tổ chức hàng tháng với các chủ đề trọng tâm được các nhà khoa học trong nước đặc biệt quan tâm như năng lượng, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo... Mỗi hội thảo đều có sự tham gia của những diễn giả uy tín và có danh tiếng toàn cầu trong từng lĩnh vực cụ thể, trong đó có các nhà khoa học là thành viên Hội đồng Giải thưởng và nhà khoa học giành Giải thưởng VinFuture như Tiến sĩ Xuedong Huang (Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ), Giáo sư Daniel Kammen (chuyên gia cố vấn năng lượng hàng đầu tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ) hay Tiến sĩ Vint Cerf - Phó Chủ tịch kiêm trưởng nhóm quảng bá Internet của Google, một trong 5 Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2022…

Giải thưởng VinFuture: Mơ ước vươn tầm quốc tế của giới khoa học công nghệ Việt ảnh 5

Hội đồng giải thưởng VinFuture là những nhà khoa học uy tín, có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật cho rằng, để khoa học Việt Nam sánh ngang với các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển mạnh ở châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, chúng ta phải cần thời gian lâu hơn nữa, nhiều nỗ lực hơn nữa, cùng với sự đầu tư của nhà nước, thậm chí của cả các quỹ tư nhân.

“VinFuture là giải thưởng có tác dụng truyền cảm hứng chứ không phải đem lại một sự giúp sức trực tiếp cho cộng đồng khoa học và công nghệ Việt Nam. Đây là một dấu ấn cho thấy dù Việt Nam còn khó khăn nhưng vẫn muốn hướng tới những nghiên cứu đỉnh cao, đạt trình độ quốc tế. Nhờ VinFuture, tôi nghĩ các nhà khoa học Việt Nam sẽ tự tin, dũng cảm hơn trong việc sẵn sàng dấn thân trong nghiên cứu khoa học dù còn gặp nhiều khó khăn.”, Phó Giáo sư Nguyễn Trần Thuật bày tỏ.

Từ kinh nghiệm về cuộc đời nghiên cứu khoa học của bà Katalin Karikó cho thấy, dù bà xuất thân từ một nước có nền khoa học không cao, nhưng nhiều người ở đây trở thành ông trùm, bà trùm trong lĩnh vực của họ. Nếu các nhà khoa học Việt Nam kiên trì theo đuổi công nghệ của mình, theo đuổi ý tưởng nghiên cứu khoa học, cố gắng để bù đắp về mặt cho cuộc sống cá nhân thông qua tìm nguồn tài trợ thì kết quả và thành tựu sẽ đến.

VIỆT NAM CẦN LÀM NHIỀU HƠN ĐỂ NÂNG BẬC CHỈ SỐ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Ngày 27/9, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023). Đứng đầu danh sách là các nước Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ và Anh. Theo báo cáo, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đồng thời, WIPO đánh giá Việt Nam là một trong 3 quốc gia kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức phát triển trong 13 năm liên tiếp. Đây là con số đáng khích lệ vì chỉ số này đánh giá trên nhiều yếu tố thể chế, chính sách; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; mức độ phát triển của thị trường và trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân, việc Việt Nam tăng 2 bậc trong xu thế khó khăn sau đại dịch Covid-19 cho thấy Việt Nam đã có những sự đầu tư về mặt chính sách, cơ chế cho các nhà khoa học để họ có những đóng góp xứng đáng, được thế giới công nhận. Với sự phát triển này, bà tin Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực và có những cơ chế chính sách phù hợp để phát triển và tăng nhiều bậc hơn nữa về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong thời gian sắp tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật cho rằng, giới khoa học nhìn thấy nhiều hơn ở chỉ số công bố quốc tế trên đầu người của tổ chức. Tại Đại học Quốc gia, trung bình mỗi thầy, cô trong trường có 1-2 bài báo quốc tế được công bố/năm. Để đạt con số này, các trường, các Viện hàn lâm có sự quan tâm rất lớn, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ các nhà khoa học đạt được thành tích. Ông hy vọng sự quan tâm này sẽ ngày càng phổ biến để ngành khoa học Việt Nam phát triển tốt hơn, tiếp cận trình độ quốc tế, có nhiều sản phẩm chuyển giao cho doanh nghiệp làm startup.

Giải thưởng VinFuture: Mơ ước vươn tầm quốc tế của giới khoa học công nghệ Việt ảnh 6

Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp.

Nhìn nhận ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung cho rằng, nếu nhìn theo chuỗi thời gian từ lúc chúng ta tham gia gửi số liệu đi để được đánh giá xếp hạng thì chúng ta sau 7 năm có tiến lên được 1 bậc, nhưng không bền vững. Điều đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, phải thay đổi để có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn thiện - khi đó chúng ta mới có kết quả cao trong bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo quốc tế.

Hiện nhiều nhà khoa học Việt đã giành các giải thưởng lớn quốc tế như giải Fields của Giáo sư Ngô Bảo Châu, giải Dirac Medal của Trung tâm quốc tế về Vật lý Lý thuyết ICTP cho Giáo sư Đàm Thanh Sơn, nhưng khi nhận giải họ đều đang làm việc bên ngoài Việt Nam, đó là điều khiến chúng ta phải trăn trở.

“Có nhiều lý do để các nhà khoa học Việt Nam còn khoảng cách với các giải thưởng công nghệ quốc tế như việc Chính phủ đầu tư cho hoạt động R&D của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia mà có nhiều nhà khoa học nhận giải thưởng. Ngay cả khu vực tư nhân của Việt Nam đầu tư cho R&D cũng mới chỉ có Vingroup dẫn đầu. Mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam với quốc tế chưa có nhiều. Nhiều năm trở lại đây, các bạn trẻ không thích học các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học cơ bản mà thích học kinh tế, an ninh, thương mại nhiều hơn…. Đó là một trong vài lý do hạn chế năng lực nghiên cứu và triển khai của các nhà khoa học Việt Nam”, bà Dung chia sẻ.

Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, phải thay đổi để có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn thiện - khi đó chúng ta mới có kết quả cao trong bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung

Giải thưởng VinFuture: Mơ ước vươn tầm quốc tế của giới khoa học công nghệ Việt ảnh 7
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (Chuyên gia cấp cao về nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tới đây, trong mùa giải VinFuture lần thứ 3, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân có cơ hội được tham gia với vai trò nhà khoa học chia sẻ về các hướng và dự án nghiên cứu trong sự kiện tọa đàm Khoa học vì Cuộc sống – Phiên tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh”. Phiên tọa đàm sẽ diễn ra vào sáng 19/12/2023, chia sẻ những kiến thức khoa học tiên tiến, tầm nhìn, chiến lược trong lĩnh vực công nghệ và giao thông xanh, đặc biệt trong bối cảnh thách thức toàn cầu, cũng như tìm hiểu các cơ hội hợp tác cùng các giáo sư đầu ngành về chủ đề năng lượng xanh trong và ngoài nước.

Giải thưởng VinFuture: Mơ ước vươn tầm quốc tế của giới khoa học công nghệ Việt ảnh 8

VinFuture trao giải cho nhà khoa học ở nước đang phát triển.

Đây là cơ hội để chia sẻ các kết quả nghiên cứu của Việt Nam với các chuyên gia nhà khoa học quốc tế nhằm tạo ra mạng lưới hợp tác khoa học, đóng góp giá trị cho cộng đồng và xã hội.

“Tôi mong muốn các nhà khoa học Việt Nam sẽ luôn đam mê tâm huyết thúc đẩy nghiên cứu Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh nói riêng và các lĩnh vực về phát triển bền vững nói chung từ đó sẽ có cơ hội đóng góp chất xám, trí tuệ tâm huyết để cùng hội nhập thực tế hướng đến phát triển bền vững cho Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung”, Phó Giáo sư Thanh Vân bày tỏ tâm huyết trước thềm VinFuture mùa thứ 3.

back to top