Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình 562 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 562/QÐ-TTg ngày 25/4/2017), Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã thành lập Tổ công tác để triển khai Chương trình 562 (Quyết định số 168/QÐ-BKHCN ngày 29/1/2018). Theo đó, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo sát sao, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện, bám sát vào 3 mục tiêu, 10 nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình; dành nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp quốc gia.
Trong thời gian qua, các chương trình phát triển khoa học cơ bản như: Chương trình phát triển toán học, Chương trình phát triển vật lý, Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển, được xây dựng và thiết kế để phát triển lĩnh vực một cách toàn diện, từ nghiên cứu cơ bản do Quỹ NAFOSTED tài trợ đến nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức dưới hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và các đề tài cấp bộ của các bộ, ngành.
Ngoài ra, tăng cường các hoạt động nâng cao tiềm lực như nâng cấp các tạp chí khoa học chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế; đào tạo sau đại học, bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiên cứu cho các giảng viên trẻ ở các cơ sở giáo dục đại học; đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên ngành; đẩy mạnh công bố thông qua hợp tác quốc tế...
Thực hiện Chương trình 562, đến nay, các bộ, ngành đã tích cực tham gia Chương trình và nhận thức được vai trò, cơ hội để phát triển các lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025; đã hình thành các nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh, phát triển các chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn với nhóm nghiên cứu mạnh định hướng ứng dụng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ)
Qua đó, nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của 4 lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trên các bảng xếp hạng quốc tế và nâng cao xếp hạng đại học của các cơ sở giáo dục đại học.
Sau 7 năm thực hiện, một số nội dung của Chương trình 562 đã đạt được kết quả khả quan. Cụ thể, năm 2023, các lĩnh vực nêu trên đã từ tốp 55-65 thế giới (năm 2016) vươn lên tốp 30-45 thế giới; đối với khu vực châu Á đang đứng thứ 10 và 11; đối với khu vực ASEAN đang đứng thứ 3 và thứ 4 tùy lĩnh vực...
Ðồng thời, các công bố quốc tế thuộc Chương trình 562 trong hệ thống tạp chí trong danh mục ISI tăng nhanh về số lượng (trung bình 20%/năm); chất lượng các công trình công bố trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF cao ngày càng tăng, có một số công bố trên các tạp chí hàng đầu Science và Nature...
Ðại diện Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, thời gian qua, Viện đã đầu tư, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong Chương trình 562. Theo đó, nâng cấp các nghiên cứu, công bố trong nước và quốc tế; đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển... Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình 562, cần tăng cường hình thành và xây dựng nhóm nghiên cứu trẻ và nghiên cứu mạnh.
Chia sẻ về khó khăn trong quy trình thực hiện các đề tài, nhiệm vụ cấp nhà nước, đại diện Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ gỡ vướng, đơn giản hóa thủ tục hành chính để các nhà khoa học phía nam dễ dàng tiếp cận và tham gia thực hiện các đề tài.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ cấp nhà nước cần định hướng ứng dụng, gắn với địa phương, mang tính phục vụ cộng đồng; cần có cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, thu hút các tiến sĩ trẻ ở nước ngoài về Việt Nam nghiên cứu và hình thành các nhóm nghiên cứu trẻ, nghiên cứu mạnh.
Nhiều chuyên gia ngành giáo dục và đào tạo đồng quan điểm nêu trên, đồng thời cho rằng, cần nghiên cứu cấp học bổng, định hướng đào tạo cho nguồn nhân lực trẻ từ khi học đại học để có thể nuôi dưỡng đam mê và ươm tạo nguồn cán bộ khoa học và công nghệ chất lượng cao.
Liên quan đến hệ thống tạp chí trong nước, các chuyên gia đề xuất tăng cường đầu tư các tạp chí trong nước, nâng số lượng các tạp chí đạt chuẩn Scopus... nhằm xây dựng hệ thống công bố trong nước hoàn thiện, phát triển.
Ðến nay, sau 7 năm thực hiện Chương trình 562, nhiều bộ, ngành kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện Chương trình 562 đến năm 2030.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, thời gian tới, bộ sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai Chương trình 562 trong xây dựng đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế; phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng trong các cơ sở giáo dục đại học; phát triển được một số hướng nghiên cứu cơ bản trọng điểm định hướng ứng dụng có tính liên ngành, đa ngành để tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống; tăng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế; nâng cấp các tạp chí khoa học chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế... nhằm xây dựng hệ thống công bố trong nước tốt hơn; phát triển và nâng cao vị thế nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ðến năm 2024, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển. Những thành tựu này không chỉ góp phần nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của quốc gia mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư và phát triển các lĩnh vực này để đáp ứng các thách thức và cơ hội trong tương lai.