Trước đó, các nhà khoa học đã thí nghiệm việc trồng các loài san hô được nhân giống bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại các rạn san hô quanh Mexico, Mỹ và vùng Caribe. Để tạo nên san hô IVF, nhóm nghiên cứu đã thu thập trứng san hô rồi tiến hành thụ tinh trong phòng thí nghiệm trước khi cấy trồng chúng vào các vùng biển chỉ định.
Sau 5 năm, kết quả khảo sát cho thấy, trải qua đợt nắng nóng kỷ lục năm 2023, 90% san hô IVF vẫn khỏe mạnh; trong khi đó chỉ 25% san hô tự nhiên vượt qua được đợt “sóng nhiệt” khắc nghiệt. Rất nhiều quần thể lớn đã tồn tại nhiều thế kỷ khác đã bị “tẩy trắng” bởi nhiệt độ.
Một cá thể san hô non được nhân giống bằng phương pháp IVF phát triển khỏe mạnh. Đằng sau nó là một cây san hô tự nhiên đã bị "tẩy trắng". (Ảnh: Raul Tecalco Renteria/SECORE International) |
Tiến sĩ Margaret Miller, Giám đốc nghiên cứu của Tổ chức bảo tồn san hô Secore International cho biết, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên trước sức sống mạnh mẽ của san hô IVF. Bà cho rằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã giúp “thế hệ san hô non” tăng tính đa dạng di truyền, đồng thời cho phép san hô có cơ hội thích nghi tốt hơn với điều kiện nhiệt độ tăng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng theo thời gian, khả năng “chịu nhiệt” của san hô IVF có khả năng suy giảm theo thời gian. Vì vậy, mặc dù việc nhân giống san hô là rất cần thiết, nhưng nhân loại cần có những hành động khẩn cấp để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sự sống lâu dài của các rạn san hô.