Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xem xét, thông qua nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ngày 27/11/2017, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 07-KH/TW thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua sắp xếp, giảm tám đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã.
Giai đoạn 2019-2021, nhờ công tác sắp xếp, ngân sách nhà nước tiết kiệm khoản chi lên tới hơn 2.000 tỷ đồng
Trên cơ sở các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành sắp xếp lại hệ thống tổ chức. Kết quả, giảm 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện và 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2019-2021, nhờ công tác sắp xếp, ngân sách nhà nước tiết kiệm khoản chi lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, góp phần tích cực cho việc tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị. Góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Có thể nói, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 đã thành công tốt đẹp. Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện trên quy mô toàn quốc. Kết quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách. Hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, đây là lần đầu triển khai trên phạm vi, quy mô lớn, chưa có tiền lệ nên quá trình thực hiện có phần lúng túng. Các văn bản hướng dẫn chưa thật sự kịp thời, đầy đủ và đồng bộ. Thời gian thực hiện gấp, khối lượng công việc nhiều, phức tạp, nhiều địa phương không bảo đảm đúng tiến độ. Các cơ chế tài chính hiện hành chưa phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ thỏa đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư nghỉ việc, ổn định đời sống, tạo việc làm mới. Chất lượng đô thị, mật độ dân số đô thị ở một số đơn vị hành chính đô thị được hình thành trên cơ sở sáp nhập với đơn vị hành chính nông thôn chưa được bảo đảm. Trong giai đoạn đầu sau khi thực hiện sắp xếp, đời sống sinh hoạt của nhân dân ở một số địa phương chịu tác động, ảnh hưởng nhất định…
Việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách là mục tiêu sẽ đạt trong dài hạn, còn ở giai đoạn ngay sau khi sắp xếp, vẫn cần tập trung bố trí nguồn lực đầu tư cần thiết để các đơn vị hành chính sớm ổn định về tổ chức và hoạt động. Tạo nền tảng ban đầu thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, để họ thấy được ngay tác dụng, hiệu quả tích cực từ việc sắp xếp này.
Quang cảnh Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH) |
Tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính không phải là sắp xếp cơ học. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước tốt nhất, vừa có bộ máy tinh gọn nhất. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp cũng được thụ hưởng thành quả tốt nhất từ việc sắp xếp này. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ để công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn tới đạt hiệu quả cao hơn.
Muốn vậy, trước hết, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khắc phục bất cập trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021; rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị có số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc cao hơn số lượng biên chế được giao để bố trí, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phù hợp tiêu chuẩn, chức danh, yêu cầu công việc; rà soát, điều chỉnh phương án xử lý, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo đảm tốt hơn, thuận lợi hơn việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu cho người dân; ưu tiên nguồn lực, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, đặc thù cho các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở; có lộ trình cắt giảm phù hợp, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng cao, xã đặc biệt khó khăn, ít nhất đến hết năm 2025.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 cần xác định đối tượng, lộ trình thực hiện phù hợp, gắn với yêu cầu tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia, đơn vị hành chính các cấp, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp nhằm mở rộng không gian phát triển, tăng quy mô của đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.