Quảng Ninh là mô hình mẫu về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

NDO -

Chiều 12/4, Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với tỉnh Quảng Ninh về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với tỉnh Quảng Ninh về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao việc triển khai thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Quảng Ninh là địa phương có nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng kiến sáng tạo, đóng góp nhiều vào việc xây dựng chính sách chung của cả nước.

Mục đích của Đoàn giám sát chọn Quảng Ninh vì có nhiều mô hình hay, nhất là trong công tác triển khai sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và là hình mẫu cho các tỉnh khác học tập. Công nghiệp phát triển, nông nghiệp thủy sản có bước tăng trưởng khá, hệ thống chính trị, bộ máy tổ chức, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở rất vững và phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo và điều hành các lĩnh vực.

Quảng Ninh là mô hình mẫu về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã -0
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý trong quá trình triển khai đề án từ tỉnh đến địa phương gặp phải những khó khăn, thuận lợi gì; tâm tư, tình cảm của  người dân, cán bộ sau khi sắp xếp, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là việc sáp nhập đô thị với nông thôn cùng những bài học kinh nghiệm của tỉnh.

Đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Ninh sẽ sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 5 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Uông Bí, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, trong đó có 9 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp và 7 đơn vị hành chính cấp xã liên quan. Như vậy, sau khi sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh sẽ giảm từ 14 đơn vị cấp huyện xuống còn 13 đơn vị, từ 186 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 177 đơn vị và 1.543 thôn.

Với sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống địa phương và sự đồng thuận của cử tri, nhân dân, các đầu mối cơ quan, đơn vị được tinh gọn, tiếp tục kiện toàn, bố trí các cán bộ và các trụ sở dôi dư để nhanh chóng hoạt động ổn định, nề nếp. Tổng thu ngân sách nhà nước tại các đơn vị sau sắp xếp đều tăng so với thời điểm trước khi sáp nhập, giúp tiết kiệm kinh phí hơn 80 tỷ đồng.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, việc sáp nhập các đơn vị hành chính của Quảng Ninh nhằm hướng đến mục tiêu tổ chức lại không gian phát triển, tạo ra động lực mới cho phát triển bền vững. Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, sắp xếp lại không gian miền núi gắn với phát triển văn hóa vùng, miền để tạo ra xung lực mới tạo sự phát triển đồng đều, bền vững giữa các địa phương.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và đề xuất tiếp tục khuyến khích các đơn vị hành chính sắp xếp theo đề án; đồng thời đề nghị sửa đổi Nghị quyết về phân loại đô thị phù hợp với thực tiễn và đặc thù của từng địa phương.

Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Quảng Ninh, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đi khảo sát tại hai địa phương là thành phố Hạ Long và huyện miền núi Hải Hà.