Sáng 12/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.
Góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế
Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát khẳng định việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong giai đoạn 2019-2021, các đơn vị liên quan đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.
Cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát. (Ảnh: DUY LINH) |
Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.
Đến tháng 8/2022, có 43/45 tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai công tác lập mới, chỉnh lý bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp có liên quan theo quy định, còn 2/45 tỉnh chưa triển khai thực hiện (gồm Kiên Giang và Vĩnh Long).
Việc rà soát, đánh giá, xác định các chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp đã được các địa phương thực hiện trên cơ sở quy định tại Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ (được áp dụng chính sách đặc thù cao nhất của một trong các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trước khi sắp xếp).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, bất cập và rút ra 6 bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.
Giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính là mới, khó và vất vả vì trong 30 năm (1986-2015), hầu hết địa phương chỉ thực hiện chia tách.
Trước năm 1986, cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành phố nhưng đến năm 2015 đã chia tách lên thành 63 tỉnh, thành phố (tăng 25 tỉnh); cấp huyện tăng từ 530 lên đến 713 huyện (tăng 183 huyện); cấp xã từ 9.657 lên tới 11.162 xã (tăng 1.505 xã).
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Theo bà Trà, khi đang trong xu thế tăng mà giờ phải quay ngược xu thế, sắp xếp lại để giảm thì đây thực sự là vấn đề lớn về tư tưởng. Nếu không giải phóng được tư tưởng thì rất khó thực hiện.
Bộ trưởng Nội vụ nêu một số thuận lợi và khó khăn trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; đánh giá “mục tiêu tinh gọn đã đạt được”, minh chứng bằng các con số sau sắp xếp: giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. “Đây cũng là những con số có thể nói mang tính lịch sử”, bà Trà cho hay.
Nữ Bộ trưởng cho biết, qua sắp xếp đã giảm gần 450 cơ quan tổ chức hành chính cấp huyện, 3.437 cơ quan tổ chức ở cấp xã, giảm 12% biên chế công chức cấp huyện, 32,6% biên chế công chức cấp xã; giảm 56,4% số người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
“Đặc biệt, việc sắp xếp giúp giảm chi ngân sách Nhà nước trên 2.000 tỷ đồng”, bà Trà nói, đồng thời nhấn mạnh bài toán lớn nhất hiện nay là giải quyết chế độ chính sách với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý việc đánh giá kết quả sắp xếp đơn vị hành chính phải rõ ràng, so với mục tiêu đề ra có đạt được không, trong đó phải làm rõ mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế như thế nào. Đặc biệt, qua việc sắp xếp đơn vị hành chính giúp tiết kiệm được bao nhiêu kinh phí, bao nhiêu chi thường xuyên, bao nhiêu chi đầu tư.
Quang cảnh phiên họp sáng 12/9. (Ảnh: DUY LINH) |
Nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của việc sắp xếp là nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ sau khi sắp xếp, các chỉ tiêu đánh giá, đo lường như thế nào, người dân được phục vụ ra sao. “Các thiết chế văn hóa, giáo dục có đáp ứng nhu cầu người dân không hay phải mở thêm điểm trường, y tế xã?” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu băn khoăn về vấn đề sắp xếp đô thị trong đợt này. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nhiều đơn vị hành chính sau khi sắp xếp chưa đạt 50% tiêu chí đô thị. Vậy việc này đánh giá thế nào và giai đoạn sau làm việc này thế nào?
Tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu đã góp ý cụ thể vào các nội dung trong báo cáo của Đoàn giám sát cũng như vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.