Nhiều vướng mắc sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Mặc dù đã trích hơn 95 tỷ đồng để giải quyết chế độ, chính sách và hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư nghỉ việc sau khi sắp xếp  đơn vị hành chính cấp xã, nhưng đến nay, số lượng cán bộ, công chức dôi dư chưa có phương án sắp xếp ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều. Cùng với đó, hàng chục trụ sở hành chính được đầu tư khang trang, quy mô đến nay vẫn chưa có mục đích sử dụng.

Nhiều trụ sở hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh được xây dựng khang trang nhưng không sử dụng gây lãng phí.
Nhiều trụ sở hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh được xây dựng khang trang nhưng không sử dụng gây lãng phí.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh đã đem lại nhiều kết quả như: Góp phần tinh gọn bộ máy, bảo đảm quy mô quản lý phù hợp, tinh giản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy, lựa chọn được đội ngũ cán bộ có năng lực... Tuy nhiên, hiện địa phương còn khó khăn liên quan công tác cán bộ, vấn đề dư thừa cơ sở hạ tầng cần sớm được khắc phục nhằm bảo đảm lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính đúng quy định và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong giai đoạn tiếp theo. 

Sắp xếp cán bộ dôi dư

Thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021, đến đầu năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, để hình thành 34 đơn vị hành chính cấp xã mới (giảm 46 xã). Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là 2.581 người, trong đó có 1.139 người được bố trí, sắp xếp theo quy định tại các đơn vị hành chính mới. Số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp là 1.442 người.  

Thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021, đã có 1.242  cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tự nguyện tìm việc làm mới hoặc nghỉ việc hưởng chế độ theo quy định. Theo đánh giá, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhưng tỉnh Hà Tĩnh vẫn mạnh dạn trích hơn 95 tỷ đồng để giải quyết chế độ, chính sách và hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư là việc làm kịp thời, hiệu quả. 

Tuy vậy, do tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở quy mô khá lớn, lại thực hiện trong một thời gian ngắn, cho nên số lượng cán bộ dôi dư ở một số đơn vị vượt quy định. Tính đến cuối năm 2021, tại 34 đơn vị hành chính cấp xã mới còn dôi dư 246 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. 

Với 21 đơn vị hành chính cũ được sắp xếp, hình thành chín đơn vị hành chính cấp xã mới, huyện Đức Thọ có số xã thực hiện sắp xếp nhiều nhất tỉnh. Điều đặc biệt, phần lớn đơn vị hành chính mới đều được hình thành trên cơ sở ba xã cũ, thành ra số lượng cán bộ dôi dư ở đây cũng nhiều hơn so với địa phương khác. 

Theo chia sẻ của Trưởng Cơ quan Tổ chức, Nội vụ huyện Đức Thọ Nguyễn Ngọc Tuấn, vận dụng các chính sách giải quyết cán bộ dôi dư sau sáp nhập xã của Trung ương và tỉnh, tính đến cuối năm 2021, địa phương đã giải quyết chế độ cho 318 cán bộ, công chức, người lao động dôi dư.

Tuy nhiên, khác với thời điểm trước ngày 31/12/2021, hiện nay việc trợ cấp tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, hưởng chế độ chờ hưu, phụ cấp chức vụ... cho cán bộ dôi dư theo chính sách của tỉnh đã hết hiệu lực cho nên vấn đề sắp xếp bộ máy sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, theo lộ trình  đến năm 2025, các địa phương phải hoàn chỉnh việc tinh gọn bộ máy công chức  theo quy định. 

Tuy vậy trên thực tế, việc giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức cần có thời gian và sự chung tay vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành. Trong khi đó, tuổi đời của phần lớn đội ngũ công chức hiện nay đang còn trẻ, khung vị trí việc làm tại các xã, phòng, ban cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ, cho nên phương án sắp xếp việc làm cho 50 công chức dôi dư ở Đức Thọ sẽ khó khả thi. 

“Năm 2011, bản thân tôi được tuyển dụng theo chính sách thu hút cán bộ của huyện, quá trình công tác tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Với tuổi đời khá trẻ, muốn gắn bó lâu dài với công việc hiện tại, chúng tôi mong muốn cấp trên có chính sách bố trí, sắp xếp công việc phù hợp đối với những công chức đang thuộc diện dôi dư” - chị Lê Thị Thu Hiền, công chức kế toán thị trấn Đức Thọ cho biết. Chia sẻ của chị Hiền cũng là tâm tư chung của gần 100 công chức thuộc diện dôi dư đang làm việc tại các đơn vị hành chính cấp xã mới ở Hà Tĩnh. 

Cần sự vào cuộc đồng bộ 

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn cho thấy, sau khi tiến hành sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, trong tổng số 1.079 cơ sở nhà, đất (trụ sở hành chính xã, nhà văn hóa xã, thôn, trạm y tế…), có 899 cơ sở nhà, đất được giữ lại để tiếp tục sử dụng. Các địa phương đã thực hiện điều chuyển, chuyển giao 39 cơ sở nhà đất, có 136 cơ sở nhà, đất dư thừa không sử dụng, buộc phải thanh lý. Song, do đặc thù công năng của các cơ sở nhà, đất đang dư thừa, nhất là trụ sở hành chính xã khó chuyển đổi mục đích sử dụng cho nên gặp nhiều khó khăn khi kêu gọi đấu giá. 

Theo phản ánh của lãnh đạo các địa phương ở huyện Thạch Hà, trước khi tiến hành sáp nhập xã, các địa phương đã đầu tư xây dựng trụ sở hành chính, trạm y tế, nhà văn hóa... để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tổng mức đầu tư khá lớn. Vì vậy việc các cơ sở nhà, đất để không vừa gây lãng phí, dễ hư hỏng, vừa gây xáo trộn. 

Nhiều vướng mắc sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã -0
Công chức UBND thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong giờ làm việc. 

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ) Nguyễn Xuân Linh, trong khi ba trụ sở hành chính xã trên địa bàn đang bỏ không, thì địa phương này phải lựa chọn cơ sở của trường học cũ làm trụ sở hành chính mới. Cơ sở này được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, vì vậy địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp chỗ làm việc cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Việc huy động nguồn lực, bố trí ngân sách và đầu tư xây dựng trụ sở mới còn gặp nhiều khó khăn. 

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, một số tồn đọng vẫn chưa được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng quyền lợi của người dân. Thí dụ tại huyện Thạch Hà, do không có thời gian chuyển tiếp cho nên 23 hộ dân đã được xã Thạch Thanh (cũ) xét cấp đất theo diện tái định cư, đến nay vẫn không thực hiện được vì khi sáp nhập vào thị trấn Thạch Hà, chính sách đó đã mất hiệu lực, gây bất bình trong nhân dân. 

Tương tự, xã Bắc Sơn (cũ) vốn là một xã miền núi, nhưng khi sáp nhập với hai xã khác để hình thành xã mới Lưu Vĩnh  Sơn vẫn chưa được công nhận xã miền núi. Mặc dù huyện Thạch Hà nhiều lần kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, song đến nay chưa có kết quả gây ảnh hưởng không nhỏ đến chế độ, chính sách của nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức...

Thực tế cho thấy, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh hoàn toàn phù hợp yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách chế độ tiền lương, từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. 

Sau khi sáp nhập, các địa phương tăng quy mô về diện tích tự nhiên và dân số, thuận lợi cho việc hoạch định các định hướng phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, để phát huy những ưu điểm đó, địa phương cần vào cuộc rốt ráo để xử lý dứt điểm, hợp lý, hợp tình những vướng mắc liên quan. 

Cùng với đó, theo kiến nghị của lãnh đạo địa phương, Trung ương cần ban hành chính sách chung và có hướng dẫn cụ thể cho việc xử lý dôi dư, cũng như xác định rõ tiêu chí đặc thù trong việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính.