Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở Cao Bằng

NDO - Bước vào năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên ở Cao Bằng càng trở nên trầm trọng. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học này, môn tin học và tiếng Anh là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3. Thiếu giáo viên, trong đó, giáo viên 2 môn học tiếng Anh và tin học càng thiếu nhiều, nhiều địa phương xuất hiện tình trạng “giật gấu, vá vai”, vẫn không đủ giáo viên đứng lớp.
0:00 / 0:00
0:00
Năm học 2022-2023, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vẫn chưa có giáo viên dạy môn tin học. (Ảnh: Đội ngũ giáo viên nhà trường)
Năm học 2022-2023, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vẫn chưa có giáo viên dạy môn tin học. (Ảnh: Đội ngũ giáo viên nhà trường)

Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp kịp thời cả trước mắt và lâu dài để khắc phục thực trạng thiếu giáo viên tại địa phương.

Năm học 2022-2023, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có 17 trường tiểu học và trường phổ thông cơ sở, trường bán trú có khối tiểu học, nhưng chỉ có 9 giáo viên môn tin học và tiếng Anh biên chế ở bậc tiểu học. Số giáo viên 2 môn học còn thiếu là 33 người.

Mặc dù địa phương đã kiến nghị, đề xuất tuyển giáo viên, nhưng trong năm học 2021-2022, không có giáo viên tin học và tiếng Anh nào được tuyển dụng, bổ sung, nguyên nhân do không có nguồn để tuyển dụng.

Trước thực trạng thiếu quá nhiều giáo viên đứng lớp 2 môn tiếng Anh và tin học, đồng chí Hoàng Thị Đà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc cho biết, địa phương phải áp dụng nhiều giải pháp tình thế như: điều động 13 giáo viên trung học cơ sở hỗ trợ giảng dạy tại các trường tiểu học; mỗi tuần 1 lần, dồn học sinh ở các điểm trường lẻ về trường chính, học các tiết học môn tiếng Anh và tin học; sắp xếp, giảm các điểm trường lẻ, giảm áp lực phải bố trí giáo viên đứng lớp.

Mỗi giáo viên đảm nhiệm giảng dạy ở 2 đến 3 trường, nhưng do địa bàn rộng, giao thông chưa thuận lợi, di chuyển đi lại giữa các trường học mất nhiều thời gian nên tại địa phương vẫn thiếu giáo viên đứng lớp.

Bên cạnh đó, tại địa phương cũng thiếu nhiều phòng học và trang thiết bị dạy, học môn tiếng Anh và tin học. Do đó, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng cho biết, hiện ngành giáo dục địa phương đang thiếu 482 biên chế so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, tỉnh thiếu 87 giáo viên tin học và 83 giáo viên tiếng Anh để đứng lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2022-2023.

Năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục, nhưng chỉ tiêu được giao 519 viên chức, qua thi tuyển, chỉ tuyển được 315 viên chức, hụt 204 người so với chỉ tiêu được giao, nguyên nhân do không có nguồn để tuyển dụng.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn tin học và tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương tăng cường giáo viên bậc trung học cơ sở hỗ trợ giảng dạy ở các trường tiểu học; bố trí giáo viên dạy liên trường và ký hợp đồng với giáo viên tin học và tiếng Anh đủ tiêu chuẩn..., nhưng đội ngũ giáo viên hiện có vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu giảng dạy.

Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở Cao Bằng ảnh 1

Năm học 2022-2023, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vẫn chưa có giáo viên dạy môn tin học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng Vũ Văn Dương cho biết, thực trạng thiếu giáo viên nói chung và thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học nói riêng là khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục địa phương.

Đặc biệt, khó khăn trong tổ chức triển khai chất lượng và hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc thiếu giáo viên dẫn tới tình trạng một số lớp học chưa bố trí được giáo viên đứng lớp, một số trường tiểu học không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục.

Trước thực tế kể trên, Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xem xét, tăng biên chế cho ngành giáo dục huyện, bảo đảm định mức giáo viên/lớp và sớm tuyển dụng, bổ sung giáo viên bộ môn tin học và tiếng Anh cho địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xem xét, cân đối, bổ sung kinh phí cho huyện Bảo Lạc xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy bộ môn tiếng Anh và tin học.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, ngành đang tham mưu và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc đặt hàng, đào tạo giáo viên theo địa chỉ.

Mặt khác, ngành cũng đào tạo theo nội dung của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm trên cơ sở gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp Sở Nội vụ Cao Bằng rà soát nhu cầu tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh Cao Bằng sớm tổ chức kỳ thi tuyển viên chức, tuyển dụng bổ sung giáo viên, phân bổ về các địa phương đứng lớp.

Công tác tuyển dụng bổ sung giáo viên, ký hợp đồng với giáo viên đủ tiêu chuẩn để đứng lớp, đặc biệt là giảng dạy 2 môn học tiếng Anh và tin học đang là yêu cầu cấp bách với ngành giáo dục Cao Bằng để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.