Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên

Từ năm học 2022-2023, theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Ngoại ngữ và Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3. Năm học mới đã cận kề, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cho biết, giáo dục tiểu học còn nhiều khó khăn về điều kiện triển khai hai môn học này.
0:00 / 0:00
0:00
Năm học 2022-2023, một số địa phương thiếu nhiều giáo viên để triển khai môn Ngoại ngữ và Tin học theo chương trình mới. Ảnh: HẢI NAM
Năm học 2022-2023, một số địa phương thiếu nhiều giáo viên để triển khai môn Ngoại ngữ và Tin học theo chương trình mới. Ảnh: HẢI NAM

Loay hoay tuyển giáo viên

Theo Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), số lượng giáo viên trên cả nước còn thiếu nhiều để có thể bố trí dạy học môn tiếng Anh và Tin học từ năm học 2022-2023. Trong đó, môn tiếng Anh thiếu 3.605 giáo viên. Nếu các địa phương thực hiện biện pháp ưu tiên giáo viên tập trung cho dạy tiếng Anh lớp 3 năm học 2022-2023 thì số lượng thiếu tính bình quân cả nước tạm tính khoảng 500 người. Số giáo viên còn thiếu ở môn Tin học là 4.401/13.900 (chiếm 31,7% số lượng giáo viên hiện tại).

Cũng theo thống kê của Vụ Giáo dục tiểu học, một số địa phương thiếu nhiều giáo viên triển khai môn Ngoại ngữ và Tin học ở năm học 2022-2023 có thể kể tới là: Sơn La thiếu 153 giáo viên tiếng Anh, số trường chưa dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 là 110/244 trường (chiếm 45,1%); thiếu 136 giáo viên Tin học, số trường chưa dạy làm quen Tin học cho học sinh lớp 3 là 166/244 trường (chiếm 68%). Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cũng cho biết, thiếu 93 giáo viên tiếng Anh và 77 giáo viên Tin học cho năm học 2022-2023; Bình Phước thiếu 97 giáo viên tiếng Anh và 114 giáo viên Tin học cho năm học 2022-2023…

Nguyên nhân tuyển dụng giáo viên khó khăn được chỉ ra: Không có giáo viên để tuyển dù có chỉ tiêu; không có giáo viên đủ điều kiện theo quy định tốt nghiệp đại học của Luật Giáo dục mới; chỉ tiêu biên chế nhiều nơi đã tuyển đủ và không còn chỉ tiêu cho giáo viên môn tiếng Anh và Tin học.

Bên cạnh đó, trình độ giáo viên không đồng đều; trình độ đào tạo chưa đạt chuẩn, số giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành giáo viên Tin học chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu là đối tượng giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc số ít là đại học công nghệ thông tin được bồi dưỡng chứng chỉ sư phạm.

Về cơ sở vật chất, số phòng máy tính hiện có, nhiều nơi đã xuống cấp, lạc hậu. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet - một trong những điều kiện dạy học môn Tin học chưa đồng bộ. Một số nơi không chỉ thiếu máy tính, hạ tầng mạng mà còn thiếu phòng học, thiếu đất xây phòng để có phòng máy tính dạy học…

Khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên ảnh 1

Học sinh tiểu học tại Hà Nội trong ngày tựu trường. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Quy hoạch lại các điểm trường

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Một trong những khó khăn khi triển khai dạy tiếng Anh, Tin học bắt buộc với học sinh lớp 3 tại một số địa phương miền núi là địa hình đồi núi chia cắt, nhiều điểm trường lẻ, cơ sở vật chất chưa bảo đảm... Trước “giờ G”, các địa phương đã có nhiều giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai) cho biết: Về đội ngũ giáo viên dạy lớp 3, toàn ngành hiện còn thiếu một số giáo viên tiếng Anh, Tin học dạy hai môn học bắt buộc. Tỉnh đang ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên hai môn học này để bảo đảm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới hiệu quả. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng có giải pháp tháo gỡ phù hợp điều kiện thực tế như điều chuyển giáo viên thừa, thiếu giữa các cấp học; giáo viên tiếng Anh THCS dạy kiêm tiểu học. Nếu trong một xã có hai trường tiểu học sẽ để giáo viên tiếng Anh kiêm nhiệm cả hai trường. Về cơ sở vật chất, các phòng Tin học tại điểm trường chính bảo đảm mức tối thiểu.

Trước thời điểm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới với lớp 3, ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang) khẳng định, ngành giáo dục đã sẵn sàng điều kiện cần thiết. Bắc Giang đáp ứng đủ một phòng học/lớp; 100% số học sinh học hai buổi/ngày; đủ số lượng giáo viên văn hóa. Thậm chí, với giáo viên tiếng Anh, Tin học ở nhiều địa bàn khó khăn, tỉnh đã tuyển dụng đủ chỉ tiêu, bảo đảm cả về lượng và chất (với gần 2,5 giáo viên/lớp). Đáng nói, giáo viên hai môn học này đều nằm trong diện biên chế, tạo sự yên tâm cho thầy, cô giáo. Với cơ sở vật chất (máy móc, phòng lớp học) ngành giáo dục Bắc Giang cũng sẵn sàng đáp ứng theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Giáp, ngành tiếp tục phương án dồn học sinh lớp 3 ở điểm lẻ ra điểm trường trung tâm (đã có lộ trình giảm điểm trường lẻ 5 năm nay). Số học sinh ở điểm trường lẻ chưa thể về trường chính sẽ dồn về điểm trường trung tâm có đủ cơ sở vật chất để được học đầy đủ Tin học, Ngoại ngữ...

Cũng tháo gỡ “bài toán” điều kiện dạy học tiếng Anh, Tin học bắt buộc ở lớp 3 năm học tới, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cho biết: Ngành đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện giai đoạn 2 Đề án chuyển học sinh tiểu học các điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính giai đoạn 2021-2025; trong đó có phương án chuyển học sinh lớp 3 để các em được học môn tiếng Anh, Tin học theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông mới trong điều kiện tốt nhất...

Tại Bến Tre, việc sáp nhập điểm trường lẻ tạo điều kiện để 100% số học sinh lớp 3 được học hai môn học này được tỉnh và ngành giáo dục quan tâm, đẩy mạnh. Theo ông Võ Văn Luyến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre, dự kiến tới năm 2025, 289 điểm trường lẻ của 180 trường tiểu học sáp nhập lại còn 140 điểm trường. Như vậy sẽ bảo đảm 100% số học sinh lớp 3 trong các năm học tới được học đầy đủ tiếng Anh, Tin học.

Bảo đảm điều kiện triển khai

Việc triển khai dạy Tin học, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022- 2023 cho thấy thiếu giáo viên là thách thức lớn nhất. TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học cho rằng, các địa phương cần tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, khả thi.

Cụ thể như, trong xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục từ năm 2021 đến 2025, cần ưu tiên tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên tiếng Anh, Tin học bậc tiểu học. Thực hiện tuyển dụng mới trong năm 2022 và các năm tiếp theo đối với giáo viên đang ký hợp đồng lao động tại các trường tiểu học; bố trí, ưu tiên để giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đi đào tạo nâng trình độ trước khi tuyển dụng. Các địa phương cũng cần thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên nói chung và giáo viên tiếng Anh, Tin học trong biên chế.

Khi chưa thể bố trí đủ giáo viên môn tiếng Anh và Tin học tại các trường tiểu học, sẽ tổ chức bố trí dạy học trực tuyến trong phạm vi các lớp 3 của một trường hoặc nhiều trường, hay cho học sinh học theo các video bài học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, cấp phép và ban hành. Đối với môn tiếng Anh, có thể thực hiện giải pháp học trên truyền hình với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường, phụ huynh.

Đặc biệt, cần đặt hàng cơ sở đào tạo để đào tạo giáo viên tiếng Anh, Tin học, bảo đảm bố trí đủ để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuyên truyền, khuyến khích, có chính sách phù hợp để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với những người đã tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành tiếng Anh hoặc Tin học có nguyện vọng trở thành giáo viên dạy tiểu học. Thực hiện việc ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng và khuyến khích giáo viên nghỉ hưu tiếp tục hợp đồng giảng dạy phù hợp nhu cầu từng trường.

Để bảo đảm thực hiện đúng lộ trình, chất lượng triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Vụ Giáo dục tiểu học đề xuất: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng phương án cụ thể, chi tiết bảo đảm 100% học sinh được học Tin học, tiếng Anh theo lộ trình (năm học 2022-2023 đối với lớp 3; 2023-2024 đối với lớp 3, 4; 2023-2024 đối với lớp 3, 4, 5). Nhóm giải pháp chính là: Tăng cường số lượng giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường các hình thức dạy học; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với giáo viên Ngoại ngữ và Tin học bao gồm: loại hình, vị trí, nhiệm vụ, chương trình đào tạo...