Đặc biệt, tại các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp như huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc... nằm giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu trường lớp và giáo viên trầm trọng.
Lớp học quá tải, thỉnh giảng giáo viên
Trường Trung học cơ sở Hậu Nghĩa (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) có 56 lớp học, với hơn 2.400 học sinh, con số này quá nhiều so với phòng học hiện hữu của trường. Không đủ lớp học 2 buổi, nhà trường chỉ tổ chức cho học sinh học 1 buổi, số lượng trên 40 học sinh/lớp.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hậu Nghĩa Lê Thị Hồng Dung cho biết, nhà trường lo nhất trong năm học mới này là tình trạng thiếu giáo viên. Toàn trường chỉ có 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong khi đó biên chế của trường là 56 lớp, thiếu 17 giáo viên.
Vấn đề này nhà trường đã báo cáo với Phòng Giáo dục huyện Đức Hòa tuyển thêm giáo viên nhưng đến nay vẫn không có nguồn phân bổ. Giải pháp tạm thời là trường ký hợp đồng thỉnh giảng với những giáo viên mới về hưu có nguyện vọng tiếp tục cống hiến.
Còn nguyên nhân thiếu giáo viên là do áp lực công việc ngày càng nhiều, một số giáo viên xin nghỉ việc đi làm việc khác, mức lương giáo viên mới ra trường thấp, không bảo đảm được cuộc sống nên rất khó thu hút nguồn nhân lực mới.
Huyện Đức Hòa là vùng kinh tế trọng điểm của Long An, nằm giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 7 khu và 10 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, dân số trên 450 nghìn người.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Đức Hòa tiếp nhận trên 55 nghìn học sinh nhưng nguồn tuyển dụng giáo viên không đáp ứng đủ nhu cầu cho việc dạy và học.
Tại các khu, cụm công nghiệp của Đức Hòa có dân số tăng cơ học nhanh đang thiếu trường lớp, giáo viên trầm trọng. Hằng năm, Phòng Giáo dục huyện đều thông báo tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên những không có nhiều người nộp hồ sơ xin việc.
Trong khi đó, một số giáo viên đang công tác thì xin ra khỏi ngành với lý do áp lực công việc ngày càng nhiều, nhất là khi đưa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vào giảng dạy và thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, mức lương giáo viên mới ra trường thấp, không bảo đảm được cuộc sống nên không thu hút được nguồn giáo viên mới.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Hòa Trần Thị Thu Trang cho biết, 2 năm gần đây khi đưa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vào giảng dạy, không chỉ ở huyện Đức Hòa mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Long An đều xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học.
Riêng tại Đức Hòa, đến ngày 1/9/2022, từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở đang thiếu 224 giáo viên.
Để giải quyết nhu cầu giáo viên cho việc dạy và học, huyện đã cố gắng hợp đồng thỉnh giảng với những giáo viên vừa về hưu, đáp ứng được trình độ theo chương trình dạy học mới, cũng như tranh thủ hợp đồng với những giáo viên ngoại tỉnh về hỗ trợ cho địa phương.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
Trường Trung học cơ sở Hậu Nghĩa, thị trấn Hậu Nghĩa, (huyện Đức Hòa) thiếu 17 giáo viên. |
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh thiếu trên 1.000 giáo viên ở các cấp học, nguyên nhân do dân số tăng cơ học nhanh theo đà phát triển của các khu, cụm công nghiệp.
Trong khí đó, công tác tuyển dụng giáo viên hằng năm gặp nhiều khó khăn, nguồn tuyển dụng khan hiếm, số lượng giáo viên tuyển dụng được quá ít so với nhu cầu, chưa bảo đảm đủ theo biên chế giao.
Cụ thể, qua 2 đợt tuyển dụng vào năm 2021 và 2022, huyện Đức Hòa chỉ tuyển được 77/409 chỉ tiêu, đạt 18,82%, huyện Cần Giuộc chỉ tuyển được 86/308 chỉ tiêu, đạt 27,92%... Một số địa phương vùng sâu vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Long An cũng trong tình trạng thiếu giáo viên.
Năm học mới 2022-2023, toàn tỉnh Long An có trên 15.155 giáo viên trực tiếp đứng lớp, theo đó, cấp học mầm non thiếu gần 300 giáo viên; tiểu học thiếu gần 540 giáo viên; trung học cơ sở thiếu khoảng 430 giáo viên; trung học phổ thông thiếu hơn 130 giáo viên.
Để giải quyết khó khăn tạm thời, các địa phương chọn phương án hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên mới về hưu và giáo viên ngoài tỉnh. Ngoài ra, việc thiếu trường lớp, số lượng học sinh quá tải trong từng lớp đang là áp lực lớn cho việc tổ chức dạy và học tại các địa phương, nhất là những địa phương có nhiều khu cụm, công nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An Nguyễn Hồng Phúc cho biết, để giải quyết khó khăn trong năm học mới này, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương Long An đang huy động mọi nguồn lực chăm lo cho các em học sinh đang cư trú, tạm trú trên địa bàn tỉnh bước vào năm học mới được đầy đủ nhất có thể.
Ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh các đề án phát triển cơ sở giáo dục, trường đạt chuẩn quốc gia, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, cũng như xây dựng nhà công vụ để thu hút giáo viên về công tác lâu dài, và đặt hàng các cơ sở đào tạo để có nguồn giáo viên bổ sung trong thời gian tới.