Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, chương trình của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả thiết thực, nổi bật trên cả 3 trụ cột chuyển đổi số.
Hà Giang phát động cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số
Chuyển đổi số đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động cơ quan Nhà nước, chất lượng dịch vụ công. Trong quý 3/2024, tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 82%, tỷ lệ hồ sơ có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt trên 90%. Đã hoàn thành, đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống báo cáo quốc gia; hệ thống họp không giấy tờ, phê duyệt, triển khai kiến trúc chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Hà Giang phiên bản 3.0.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. |
Đến nay, 100% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản tham gia sàn thương mại điện tử; 100% sản phẩm OCOP đăng tải trên sàn thương mại điện tử. Đã triển khai mô hình chợ 4.0 về các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại hầu hết khu vực chợ trung tâm các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ dân số trên 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch điện tử đạt tỷ lệ hơn 80%.
Các xã, phường, thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm, tỷ lệ thôn được phủ sóng điện thoại di động đạt 98,9% (trong 3 năm 2022-2024, các doanh nghiệp đã mở rộng vùng phủ sóng di động thêm 127 thôn trắng sóng). Truyền thông số được đẩy mạnh, lan tỏa sâu rộng tinh thần và nhận thức về chuyển đổi số đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho rằng, những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số đã nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, là động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang ấn nút công bố kiến trúc chính quyền điện tử 3.0 và nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu LGSP tỉnh Hà Giang. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới còn đối mặt với nhiều khó khăn, như tình trạng thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin, thiếu các doanh nghiệp công nghệ thông tin; hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều thôn, bản chưa có sóng viễn thông, chưa có điện lưới, hoặc chất lượng phủ sóng còn thấp, chưa ổn định; nhu cầu đầu tư chuyển đổi số rất lớn trong điều kiện nguồn lực ngân sách tỉnh còn hạn chế, huy động vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, lãnh đạo các ngành, địa phương, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến, nêu lên những giải pháp, hành động thiết thực, cụ thể tạo bứt phá trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Các ý kiến tập trung vào những vấn đề như nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nâng cao chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo; giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng số.
Khắc phục các vùng lõm sóng, trắng sóng phục vụ chuyển đổi số; sáng kiến, giải pháp then chốt thực hiện kiến trúc chính quyền số tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0; sáng kiến, giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, sản xuất, kinh doanh; đề xuất cơ chế, mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền, các chuyên gia trong chuyển đổi số.
Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông. |
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ công bố kiến trúc chính quyền điện tử 3.0 và nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu LGSP tỉnh Hà Giang; chương trình ký kết biên bản ghi nhớ giữa Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.