Công ty Điện lực Hà Giang đã tiên phong trong việc số hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ. Đặc biệt là các quy trình trong lĩnh vực quản lý điều hành, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Hiện nay, các phần mềm dùng chung của EVN như Doffice, CMIS, PMIS, ERP, IMIS đã được áp dụng rộng rãi trong toàn công ty, qua đó giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất lao động.
Công ty Điện lực Hà Giang cử đội xung kích hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả bão số 3
Hiện nay, công ty cũng đã hoàn tất việc cập nhật 100% thuộc tính thiết bị trên lưới điện qua phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS). Bảo đảm chất lượng cơ sở dữ liệu và tăng cường hiệu quả quản lý tài sản, góp phần vào việc khai thác thiết bị điện an toàn và bền vững.
Đã triển khai thành công hệ thống tự động hóa lưới điện trung áp, giúp nâng cao khả năng vận hành và giảm thiểu sự cố lưới điện. Hiện tại, 171 máy cắt điều khiển từ xa đã được kết nối với trung tâm điều khiển xa, cùng với việc hoàn thiện 4 mạch vòng điều khiển từ xa. Hệ thống này giúp công ty nhanh chóng xử lý các sự cố và giảm thời gian gián đoạn cung cấp điện.
Các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang có địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, địa hình phức tạp nên việc chuyển đổi số đã giúp điện lực các huyện thực hiện tốt hơn công tác quản lý, vận hành lưới điện, giảm chi phí, công lao động cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Đơn cử như tại Điện lực huyện Đồng Văn, đơn vị này quản lý 37 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Những năm trước, đơn vị cần khoảng 30 cán bộ, công nhân để thực hiện việc chốt công tơ với thời gian thực hiện trong vòng một tuần thì hiện nay công việc này chỉ cần một đến hai người thực hiện trong vòng một ngày. Đó là do từ năm 2021 đến nay, Điện lực huyện Đồng Văn đã hoàn thành việc lắp đặt công tơ điện tử đo xa đối với gần 100% khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Phan, Giám đốc Điện lực huyện Đồng Văn, cho biết, việc lắp đặt công tơ điện tử đo xa không chỉ giảm chi phí, ngày công mà còn đánh giá được chất lượng điện áp từng khách hàng, tính toán được tỷ lệ tổn thất từng trạm biến áp phân phối, từ đó giúp đơn vị lập được kế hoạch khắc phục, giảm thiểu sự cố. Đối với khách hàng, khi cài áp chăm sóc khách hàng cũng theo dõi được điện năng tiêu thụ hằng ngày, từ đó có sự điều chỉnh trong sử dụng điện cho hợp lý, tiết kiệm.
Một trong những bước tiến quan trọng trong công tác chuyển đổi số của Công ty Điện lực Hà Giang là việc hoàn tất cấp chứng thư số cho 100% cán bộ công nhân viên có nhu cầu ký số trong công việc. Chứng thư số giúp số hóa các quy trình xử lý tài liệu, bảo đảm tính minh bạch, nhanh chóng và chính xác, từ đó tăng hiệu quả trong quản lý và điều hành.
Công nhân Điện lực Đồng Văn thực hiện chốt công tơ điện tử đo xa. |
Công ty đã hoàn thành việc số hóa 100% hồ sơ hợp đồng khách hàng thông qua hệ thống quản lý thông tin và dịch vụ khách hàng (CMIS). Điều này không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu giấy tờ mà còn tăng cường khả năng truy xuất, quản lý hồ sơ một cách nhanh chóng, chính xác.
Trong lĩnh vực tài chính, kế toán, đã triển khai chuyển đổi số giai đoạn 1 theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền bắc. Công ty đã vận hành thành công sáu quy trình quan trọng liên quan đến quản lý hợp đồng IPP, thanh toán tiền mua điện và các quy trình báo cáo hỗ trợ điều hành, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Đến nay, Công ty Điện lực Hà Giang cũng đã hoàn thành nhiều dự án lớn trong công tác số hóa dữ liệu. Điển hình là dự án xây dựng hệ thống quản lý lưới điện trên nền tảng bản đồ GIS và dự án xây dựng kho dữ liệu tập trung. Các dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở dữ liệu lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hệ thống điện tổng thể, toàn diện và hiệu quả.
Quá trình chuyển đổi số của Công ty Điện lực Hà Giang không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong quản lý, vận hành mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, hiệu quả, góp phần thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống điện lực quốc gia.
Từ nay đến 2025, công ty tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động số hóa, nâng cao năng lực công nghệ và khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ thông tin. Với nền tảng vững chắc đã xây dựng, công ty đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới, cải tiến, đưa các quy trình hoạt động vào số hóa một cách toàn diện, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa hệ thống điện.