ĐBSCL là một trong những đồng bằng màu mỡ, có sản lượng lớn nhất Đông - Nam Á và đứng đầu cả nước, chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước; đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, tại hội thảo, các nhà khoa học cho rằng: sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay ở vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó, việc đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất còn chậm, đặc biệt là công nghệ chế biến nông sản chưa được đầu tư phát triển, dẫn đến năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa còn yếu, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân gặp nhiều khó khăn, giá trị thấp.
Với tác động của thị trường thế giới và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay, khoa học và công nghệ sẽ là chìa khóa thành công cho sản xuất nông nghiệp thời hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong thực thi đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng đã được Chính phủ phê duyệt.
Các nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp về công tác quản lý, về công nghệ, về kinh phí, về thương hiệu, về thị trường…, trên cơ sở giải quyết đồng bộ các vấn đề có liên quan, từ cơ chế, chính sách phát triển đến tổ chức đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường trong và ngoài nước một cách hiệu quả, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn của vùng…