Giải pháp cho phát triển xanh bền vững

Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và giới hạn về tài nguyên. Do đó, việc chuyển đổi hệ thống sản xuất truyền thống thành một mô hình bền vững không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một yêu cầu cấp bách.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững. (Ảnh Hoàng Triều)
Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững. (Ảnh Hoàng Triều)

Chuyển đổi xanh, hướng đi tất yếu

Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất nước, với khoảng 60 triệu tấn/năm, chiếm từ 18-23% cả nước. Thời gian qua, thành phố tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao… để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên về cơ bản, vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, thành phố đang phải chịu tác động lớn, cảnh báo được đưa ra đến năm 2050 có đến hơn 60% diện tích của thành phố thường xuyên ngập lụt.

Vì vậy, sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương hoàn thiện Khung chiến lược Phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu trở thành đô thị văn minh, hiện đại, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.

Mới đây, tại hội thảo "Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh" do Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) tổ chức, ông Trần Hữu Dũng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Công viên phần mềm Quang Trung luôn định vị là khu đô thị xanh-thông minh sẽ cam kết thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi kép thông qua việc tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường và xã hội. Ðiều này bao gồm việc đầu tư vào công nghệ xanh, xây dựng hạ tầng đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy vận động giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hợp tác, giao tiếp, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức khác.

Cũng theo ông Trần Hữu Dũng, mô hình đô thị xanh-thông minh tiên tiến không chỉ là một hình mẫu phát triển đô thị trong tương lai mà còn là một cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào một môi trường kinh doanh bền vững và hấp dẫn.

Giải pháp cho mục tiêu bền vững

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi kép bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành một yếu tố quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả và sự linh hoạt trong quản lý sản xuất mà còn giúp tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu lãng phí.

Chuyển đổi xanh giúp giảm tới mức thấp nhất tác động đến môi trường và tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng. Ông Phạm Hoài Trung, Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050 cho biết: Trụ cột và nền móng ESG là một yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư và chọn lựa đối tác kinh doanh. Trước tiên phải chuyển đổi trong tất cả lĩnh vực như kinh tế, tài chính, sản xuất, sản phẩm, tiêu dùng, thương mại, doanh nghiệp, công nghệ, vận tải, năng lượng… sang chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Phát triển bền vững cần kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Năm giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gồm: Ðưa ra các định hướng, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục đầu tư phát triển nguồn vốn con người qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng; thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường năng lực dữ liệu để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho theo dõi, giám sát và đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.

Trên thế giới, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đang ở giai đoạn đầu và có rất nhiều thách thức. Hơn nữa, công nghệ đang tiến bộ với tốc độ chưa từng có, trong khi mức độ phù hợp của công nghệ thì vẫn còn nhiều chỗ bỏ ngỏ chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một sự thay đổi hệ thống và sẽ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đổi mới công nghệ. Do đó, việc tìm ra các mô hình kinh doanh mới, sự tham gia của các viện nghiên cứu, tạo ra môi trường chính sách khuyến khích, khả năng tiếp cận tài chính và một chiến lược dài hạn cho phát triển xanh là điều rất quan trọng.