Cùng suy ngẫm

Giải pháp cho người ăn xin, lang thang

Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể các địa phương, tình trạng người ăn xin, lang thang trên đường phố đã được kéo giảm đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00
Người lang thang, cơ nhỡ ở TP Hồ Chí Minh được chăm sóc tại cơ sở Bảo trợ xã hội Bình Ðức (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Võ Lê
Người lang thang, cơ nhỡ ở TP Hồ Chí Minh được chăm sóc tại cơ sở Bảo trợ xã hội Bình Ðức (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Võ Lê

Một số địa phương như thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đề án “Thực hiện mục tiêu không có người có hành vi lang thang, xin ăn, cơ nhỡ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản xây dựng đề án tập trung giải quyết đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi các đơn vị liên quan tăng cường xử lý tình trạng người lang thang, ăn xin trên địa bàn…

Tuy nhiên, thời gian gần đây và nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán, tại Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,... tình trạng này có xu hướng biến tướng. Bởi những người lang thang, ăn xin thường che giấu dưới vỏ bọc bán vé số, bán hàng dạo, thậm chí giả dạng những người tu hành đi khất thực... Hơn nữa, để mọi người thương cảm về hoàn cảnh, những người ăn xin, lang thang thường tập trung tại các đền, chùa, chợ, đèn tín hiệu giao thông hoặc các lễ hội để hoạt động.

Thực tế cho thấy, nhiều người có suy nghĩ cho tiền người ăn xin là việc làm tốt đẹp, nhân đạo. Ngược lại, người ăn xin thì lợi dụng tấm lòng hảo tâm của mọi người để không phải bỏ sức lao động mà vẫn có tiền. Bên cạnh đó, không loại trừ một số đối tượng lợi dụng người già, trẻ em đi ăn xin nhằm thu lợi bất chính. Đây là thực trạng có dấu hiệu gia tăng tại nhiều địa phương.

Về phía cơ quan chức năng, mỗi khi ra quân, thu gom những người vô gia cư, người ăn xin về các trung tâm để lưu nuôi theo quy định thường ngắn ngày. Công tác quản lý, giám sát những người này tại một số địa phương chưa chặt chẽ. Công tác phối hợp ngăn chặn, xử lý giữa các địa phương trong cùng tỉnh hoặc khác tỉnh, thành phố còn hạn chế, thiếu quyết liệt. Hoạt động đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm cho những người này tại nhiều nơi còn gặp nhiều khó khăn, nặng về hình thức, chưa đi vào thực chất. Một số địa phương vẫn tồn tại phong tục, tập quán đi ăn xin để đem lại may mắn cho gia đình, dòng họ.

Để giải quyết hiệu quả tình trạng này, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp từ các ban, ngành Trung ương, nhất là các địa phương. Các giải pháp trọng tâm có thể làm ngay, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Công khai hóa số điện thoại đường dây nóng của các đội, đơn vị hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý khi phát hiện người lang thang, ăn xin. Gắn vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động này. Điều tra, xử lý kịp thời công khai các đối tượng lợi dụng trẻ em, người cao tuổi đi ăn xin nhằm thu lợi bất chính.

Cần nghiên cứu để có sự phân nhóm người ăn xin, lang thang, từ đó có giải pháp phù hợp đối với từng người, từng nhóm người. Tuy vậy, giải pháp nòng cốt và thiết thực là cần nỗ lực tạo được sinh kế ổn định, lâu dài tại địa phương cho những người này. Bởi khi có công việc và mức thu nhập phù hợp thì tình trạng người ăn xin, lang thang trong xã hội sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Cùng với đó là tình hình an ninh-trật tự tại các địa phương được bảo đảm và giữ vững.