Kiên quyết xử lý nạn lang thang xin ăn

Càng về cuối năm, tình trạng người lang thang, xin ăn có dấu hiệu xuất hiện trở lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là khu vực ngoại thành. Trong đó, phần lớn đối tượng đến từ các tỉnh, thành phố khác. Trước tình hình này, cơ quan chức năng thành phố kiên quyết xử lý triệt để.
0:00 / 0:00
0:00
Người lang thang xin ăn được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần.
Người lang thang xin ăn được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần.

Những ngày qua, dù mưa hay nắng, dưới chân dạ cầu Nguyễn Tri Phương (Quận 10) đều có từ hai đến ba người ngồi chờ đợi xin tiền. Trong đó, một người đàn ông thường xuyên mang theo trẻ nhỏ vừa bán vé số, vừa xin tiền; cạnh đó, người đàn ông lớn tuổi chống nạng, cầm chiếc mũ sờn cũ đến từng người nhờ giúp đỡ...

Khi có người cho tiền, những người này nhanh tay cất vào túi áo rồi lại đưa chiếc mũ trống rỗng chờ những người khác để tiếp tục xin. Được một vài tuần, nhóm người này di chuyển đến nơi khác và ngay lập tức có nhóm khác thế chỗ. Ngay góc ngã tư Võ Văn Kiệt-An Dương Vương (quận Bình Tân) gần đây xuất hiện cả đội quân xin ăn.

Đó là những phụ nữ, trẻ em gái thường “đèo” theo đứa nhỏ bên người. Khi người đi đường dừng xe chờ đèn giao thông, nhóm người này len lỏi trong dòng xe cộ tấp nập, liên tục gật đầu và chìa chiếc nón đến từng người để xin tiền. “Tôi thấy các em bằng tuổi con mình nên tội nghiệp, lần nào đi ngang cũng cho 5.000-10.000 đồng.

Tuy nhiên, càng cho, họ càng ỷ lại nên sau này tôi không cho nữa”, chị Hoàng Dung (nhân viên văn phòng) nói. Không chỉ lợi dụng trẻ nhỏ để xin tiền, nhiều người còn giả thầy tu đi khất thực, người khuyết tật để lợi dụng lòng tốt của người đi đường. Ngoài ra, nhiều người còn có thói quen chờ đợi để xin quà từ thiện.

Ngày nào cũng vậy, từ 20 giờ đến 22 giờ trên tuyến đường Ba Tháng Hai (Quận 10), người lang thang từ nhiều nơi ngồi dọc vỉa hè chờ nhận cơm, bánh từ thiện từ nhà hảo tâm. Khi có nhà hảo tâm đem đồ ăn đến, nhiều người ùa ra vây quanh, tạo ra khung cảnh hỗn độn, mất trật tự…

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, nhằm thực hiện Quyết định số 812 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác, từ giữa tháng 3/2023 đến nay, thành phố đã đưa 894 người lang thang, xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2022; dừng trợ giúp xã hội cho 367 người lang thang, xin ăn (số lượng dừng trợ giúp tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái).

Hiện tại thành phố có hai đơn vị tiếp nhận ban đầu người lang thang xin ăn là Trung tâm Hỗ trợ xã hội và Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần. Sau khi tiếp nhận, hai đơn vị sẽ xem xét nguyện vọng của người lang thang, xin ăn để giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng hoặc chuyển họ đến các trung tâm hỗ trợ xã hội phù hợp. Riêng đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thần kinh, tâm thần thì cơ quan chức năng chỉ giải quyết hồi gia khi có người làm đơn đề nghị (người giám hộ, gia đình hoặc cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng).

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Lê Văn Thinh cho biết: Những năm qua, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã quan tâm, giải quyết cơ bản nạn xin ăn trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng xin ăn có dấu hiệu xuất hiện trở lại và có xu hướng tăng dần, nhất là khu vực ngoại thành; phần lớn đối tượng đến từ các tỉnh, thành phố khác.

Nạn xin ăn giả dạng (bệnh, bán vé số, bán kẹo cao-su…), lợi dụng trẻ em để xin ăn, giả dạng thầy tu đi khất thực, một số người khuyết tật, người cao tuổi bán tăm bông… dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên.

Một khó khăn nữa là công tác tuyên truyền chủ trương không trực tiếp cho tiền người xin ăn, mà trợ giúp bằng phương thức phù hợp vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, xuất phát từ nhận thức một bộ phận người dân thành phố vẫn còn thói quen trực tiếp cho tiền, phát quà từ thiện cho người xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn.

Thêm nữa, quy định thời gian quản lý đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp không quá 90 ngày cho nên việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho các đối tượng gặp nhiều khó khăn, không tìm được việc làm phù hợp để mưu sinh, dẫn đến khả năng tái lang thang, xin ăn sau khi được giải quyết dừng trợ giúp xã hội.

Đồng thời, khi hết thời gian quản lý theo quy định, nếu đối tượng không có nguyện vọng tiếp tục sống tại cơ sở bảo trợ xã hội thì phải được tái hòa nhập cộng đồng. Một số đối tượng khi hội nhập cộng đồng lại tiếp tục hành vi lang thang, xin ăn ở các địa bàn khác.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý trẻ em, người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố để huy động sự tham gia thực hiện của các ngành, các cấp và người dân thành phố.

Quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại địa phương nếu thường xuyên để xảy ra tình trạng người lang thang xin ăn, người sinh sống tại nơi công cộng hoặc không tự phát hiện, xử lý kịp thời tập trung trẻ em, người lang thang ăn xin, người sinh sống nơi công cộng trên địa bàn quản lý để báo chí hay dư luận xã hội phản ánh; lập đoàn kiểm tra, giám sát của thành phố đối với các địa phương từ quận, huyện, thành phố Thủ Đức việc thực hiện cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng.

Công an thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cần xét xử công khai một số đối tượng bảo kê, chăn dắt người lang thang, xin ăn để trục lợi, xử lý điểm để răn đe, giáo dục; tiếp tục kiến nghị Công an thành phố chỉ đạo công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với các trung tâm bảo trợ xã hội (kể cả các trung tâm, cơ sở tư nhân) để cấp mã định danh, căn cước công dân... để đối tượng được cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là có thể xin được việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng…