Tuy nhiên, hiện nay, việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp vẫn là một bài toán khó và đang gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án phát triển.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý
Điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, vừa huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu.
Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) hướng tới Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, việc cung ứng điện cho doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ luôn gặp khó khăn nếu Việt Nam không tận dụng các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Trong đó, việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn điện ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất.
Nguồn điện mặt trời mái nhà cũng đóng vai trò quan trọng trong góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Đây là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội vào thực hiện Quy hoạch điện VIII. Vì vậy, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng |
Việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn điện ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất.
Song trên thực tế, vấn đề thời tiết, cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp hiện vẫn chưa rõ ràng, khiến doanh nghiệp lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh.
Bên cạnh đó, hiện chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà. Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu.
Ngoài ra, vấn đề pháp lý về các thủ tục liên quan đến việc triển khai lắp đặt sử dụng điện mặt trời mái nhà như: Thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy cũng chưa thực sự hoàn chỉnh để có thể thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong trong sản xuất.
Cần cơ chế khuyến khích
Trong cuộc họp với Chính Phủ về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (Nghị định) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, có 3 chính sách khuyến khích chủ yếu đối với điện mặt trời mái nhà là: Cho phép lắp đặt không cần theo Quy hoạch điện VIII; các nguồn điện mặt trời mái nhà được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm; hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.
Thực tế, hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang rất cần khuyến khích về thủ tục, chính sách về điện mặt trời mái nhà. Giải pháp được kiến nghị đối với các khu, cụm công nghiệp chỉ cần thẩm tra xác định độ an toàn của công trình hiện hữu khi lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà; ban hành bộ hồ sơ mẫu với công trình lắp điện mặt trời mái nhà mới; phân cấp cho địa phương và quy định rõ thời gian giải quyết,..
Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng). Ảnh: HỒNG ĐIỆP |
Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng thời, doanh nghiệp đề xuất các bộ ban ngành sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan như: Thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong trong sản xuất.
Ngoài ra, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt, doanh nghiệp đề xuất các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống điện mặt trời mái nhà gồm: tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược zero export...
Hay việc ban hành các tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn phát đúng quy trình sẽ tạo thuận lợi trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành ổn định. Đồng thời, các địa phương cũng cần phân bổ phòng ban kiểm soát một cách chặt chẽ về sản lượng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở địa phương.
VCCI đề nghị thống nhất thủ tục cho phép lắp điện mặt trời mái nhà
Do đó, để tạo cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời mái nhà, nhất tại các khu công nghiệp thì cần tính toán kỹ quy mô phát triển và chính sách khuyến khích, hỗ trợ kèm theo trên cơ sở khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghệ, lưới truyền tải, hiệu quả kinh tế; bảo vệ lợi ích lâu dài của nhà đầu tư; chú trọng bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, tiêu chí cho những nguồn điện mặt trời mái nhà cần kiểm soát chặt chẽ hơn, chính sách tài chính liên quan đến điện mặt trời mái nhà,… trên tinh thần phân cấp tối đa cho địa phương.