Nói một cách khác, dự thảo quy định cho phép một tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư của hệ thống điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện chung. Trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện đó với giá… 0 đồng.
Đề xuất này tỏ ra chưa thỏa đáng với điện mặt trời. Chưa nói tới năng lượng mặt trời, được coi là thứ năng lượng xanh, đồng thời cũng là con đường tất yếu trên con đường phát triển của Việt Nam, trước khi chúng ta đạt được những mục tiêu tham vọng trong phát triển năng lượng xanh, cả đất nước vẫn đang đứng trước nguy cơ thường trực mang tên… thiếu điện.
Sản lượng điện của Việt Nam tăng đều qua các năm. Tính riêng năm 2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt 247 tỷ kWh, tăng 1,5 lần so với năm 2015 (163,8 tỷ kWh). Tuy nhiên, nguồn cung nước cho thủy điện không đủ đáp ứng yêu cầu, dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Khả năng thiếu điện đến năm 2050 là hiện hữu. Những bất cập tồn tại kéo dài này dẫn tới tình trạng thiếu điện ở miền bắc trong tháng 5 và 6/2023. Tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo công bố hồi tháng 8, Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD do thiếu điện, tương đương khoảng 0,3% GDP.
Thiếu điện không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn là một yếu tố gây bất ổn cho sự phát triển của đất nước. An ninh năng lượng, an ninh lương thực hay an ninh quốc phòng… là những yếu tố sống còn của an ninh quốc gia và ngày càng được chú trọng.
Mục tiêu phát triển năng lượng xanh đã được xác định và có tính chất định hướng cho tương lai đất nước. Chính sách của Đảng và Nhà nước xây dựng đều nhằm khuyến khích mọi thành phần tham gia và phát triển năng lượng xanh hiệu quả nhất cho đất nước. Đề xuất của Bộ Công thương về việc phát sản lượng dư của hệ thống điện mặt trời mái nhà vào hệ thống chung chỉ được ghi nhận với mức giá 0 đồng đang gây tranh cãi và cần có giải pháp hợp lý, hài hòa, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng định hướng phát triển ngành năng lượng.