Giải pháp cấp bách cho vấn đề an ninh lương thực

Khủng hoảng an ninh lương thực đang có nguy cơ kéo dài và lan rộng ở nhiều khu vực trên toàn cầu do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao. Khủng hoảng an ninh lương thực đang tác động đặc biệt nghiêm trọng tới những người nghèo nhất và cộng đồng quốc tế cần hợp tác thực hiện các giải pháp cấp bách cho vấn đề này.

Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại thị trấn Shire, vùng Tigray, Ethiopia. (Ảnh: Reuters)
Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại thị trấn Shire, vùng Tigray, Ethiopia. (Ảnh: Reuters)

An ninh lương thực đã trở thành vấn đề "nóng" tại Hội nghị trực tuyến mùa xuân 2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), vừa diễn ra cuối tuần qua. Phát biểu tại hội nghị này, Chủ tịch WB Malpass nhấn mạnh rằng xung đột và các hệ quả của vấn đề này đang gây khó khăn cho người nghèo trên toàn thế giới. Giá lương thực hiện tăng tới 37% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, phát biểu tại một sự kiện do Hội đồng Ðại Tây Dương tổ chức, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa cho biết, bà quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu. Bà Yellen lưu ý rằng, hơn 275 triệu người trên thế giới đang có nguy cơ "mất an ninh lương thực nghiêm trọng".

Trong khi đó, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) vừa cho biết, giá lương thực thế giới đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua. Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 3 là 159,3 điểm; tăng so với 141,4 điểm vào tháng 2. FAO nêu rõ chỉ số giá lương thực đã tăng 12,6% từ tháng 2 đến tháng 3, lên mức cao kỷ lục mới kể từ khi ghi nhận các chỉ số năm 1990. FAO mới đây cũng cảnh báo giá lương thực và thực phẩm có thể tăng 20% do cuộc xung đột tại Ukraine, làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng trên thế giới.

Khủng hoảng an ninh lương thực và giá lương thực tăng cao đang đẩy nhiều người dân tại các nước nghèo lâm cảnh thiếu đói. Theo báo cáo của Cơ quan phát triển liên chính phủ Ðông Phi (IGAD), hơn 29 triệu người ở khu vực này đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực. Thư ký điều hành IGAD Workneh Gebeyehu phát biểu với báo giới rằng, khoảng 16 triệu người tại Ðông Phi đang cần hỗ trợ lương thực ngay lập tức. Theo ông Gebeyehu, có từ 6 triệu đến 6,5 triệu người ở Ethiopia; 3,5 triệu người ở Kenya và 6 triệu người ở Somalia chịu tác động của hạn hán, trong khi tình hình tại khu vực nam trung bộ của Somalia rất thảm khốc, với 81.000 người có nguy cơ bị đói.

Giới chuyên gia cho rằng, hai nguyên nhân chính gây khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay là cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại một số nước tác động tiêu cực đến sản xuất và cung ứng lương thực. Cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngô, lúa mì, lúa mạch và dầu hướng dương qua Biển Ðen. Tuy nhiên mới đây, FAO đã giảm mức dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong năm 2022 từ 790 triệu tấn xuống còn 784 triệu tấn do lo ngại rằng ít nhất 20% diện tích khu vực trồng cấy vụ đông ở Ukraine có thể không có sản phẩm thu hoạch. Trong khi đó, tại các nước châu Phi, hạn hán dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và khô hạn trên đồng khiến sản lượng lương thực giảm. Ngoài ra, tình trạng thiếu năng lượng và phân bón-mặt hàng thiết yếu cho vụ mùa-cũng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. WB cho rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí có thể tiếp diễn sang năm 2023.

Trước thách thức nghiêm trọng về an ninh lương thực nêu trên, IGAD đã kêu gọi các nước thành viên, các nhà tài trợ và các đối tác nhân đạo tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp tại những nước chịu tác động của hạn hán. Trong khi đó, ông Alessandra Casazza, quan chức của Trung tâm Ứng phó vì châu Phi thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã kêu gọi các chính phủ và nhà tài trợ quốc tế nỗ lực ngăn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ðông Phi trở nên trầm trọng hơn. Tại Hội nghị mùa xuân của IMF và WB cuối tuần qua, Chủ tịch WB Malpass kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường viện trợ lương thực cho các nước đang phát triển và nỗ lực nâng sản lượng lương thực, năng lượng và phân bón để ứng phó tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng cao hiện nay. Chủ tịch WB cũng nhắc lại cam kết xây dựng một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD trong 15 tháng tới để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất đang chịu ảnh hưởng từ nhiều cuộc khủng hoảng. Trước đó, các lãnh đạo WB, IMF, Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng đã ra tuyên bố chung kêu gọi "hành động phối hợp" để giúp các nước giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh lương thực.

Khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay là hệ quả trực tiếp của cuộc xung đột Nga-Ukraine, bởi vậy, bên cạnh triển khai các biện pháp cấp bách nêu trên, cộng đồng thế giới cần chung tay ngăn chặn và giải quyết hòa bình cuộc xung đột nghiêm trọng tại Ukraine. Chỉ khi nào sản xuất lương thực ở những nước nghèo được cải thiện và các hoạt động sản xuất, cung ứng lương thực tại Ukraine được "bình thường hóa" trở lại, cuộc khủng hoảng an ninh lương thực mới có cơ hội "hạ nhiệt".