Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai các giải pháp và chương trình hành động nhằm phát huy vai trò chính sách và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký gói tín dụng ưu đãi với quy mô gói đạt 509.864 tỷ đồng trong năm 2024.
Gói tín dụng này được giải ngân thông qua Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp và gắn với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
“Đến nay, sau 2 tháng đã giải ngân đạt 51.754 tỷ đồng cho 15.390 khách hàng, so với quy mô gói tín dụng số tiền giải ngân chiếm 10,2%.
Kết quả này là tích cực, cần tiếp tục phát huy, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt.
Các khách hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận gói tín dụng này được giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp… để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; từ đó, có thêm cơ hội tăng trưởng và phát triển”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Thông qua Chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói tín dụng cụ thể và linh hoạt.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (Agribank) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi đạt kết quả gắn liền với các gói chương trình dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cụ thể.
Trong đó, ngoài các gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội; cho vay lâm sản thủy sản, Agribank còn có gói cho vay đầu tư phát triển sản phẩm OCOP với lãi suất cho vay thấp hơn 2% so với lãi suất cho vay thông thường.
Tại hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp vừa được tổ chức tại huyện Củ Chi, đã có gần 400 khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân được vay vốn Agribank với lãi suất ưu đãi, tổng doanh số cho vay đạt hơn 1.700 tỷ đồng.