Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm chiếm 48% số lượt lao động được tư vấn và 68,5% kết nối việc làm.
Đây là thông tin từ dự án phát triển thị trường lao động và việc làm giai đoạn 2016-2020 nhằm đánh giá kết quả thực hiện và định hướng các nội dung trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH).
Một trong những ưu điểm khi triển khai chương trình này thời gian qua là góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc làm. Đồng thời, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cùng với đó, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động (TTLĐ).
Tuy nhiên, một trong những hạn chế của dự án là kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin cung-cầu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL).
Ngày 20-6-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Chương trình gồm ba dự án. Trong đó, dự án phát triển thị trường lao động và việc làm được Bộ LĐ - TB và XH giao Cục Việc làm chủ trì.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045” do Báo Nhân Dân tổ chức, TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế quốc dân), mong muốn, trong hai đề án: “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động” do Cục Việc làm xây dựng và đang lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, cần lồng ghép và đặt ra vấn đề rõ ràng về đào tạo nguồn nhân lực. Căn cứ vào đó, các cơ sở đào tạo tiếp tục phát triển đào tạo các nhóm chuyên gia phân tích, dự báo về nhân lực của các lĩnh vực này. Các cơ sở đào tạo hiện nay cũng đang chịu áp lực từ nhu cầu thị trường, cho nên sẽ phát triển đào tạo các ngành mới nổi mà thị trường có nhu cầu.
TS Ngô Quỳnh An nhấn mạnh, thiếu thông tin, gãy đứt thông tin về TTLĐ là vấn đề chung của các nước đang phát triển, chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Trong quá trình này, rõ ràng Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi vì đây là lĩnh vực rất cần thiết nhưng lại không đem lại lợi nhuận hay lợi ích trực tiếp trước mắt. Do đó, việc xã hội hóa thông tin TTLĐ bao giờ cũng phải có “Nhà nước đi đầu, Nhà nước quản lý và Nhà nước định hướng, kết nối” . Như vậy, hệ thống dữ liệu, thông tin này mới phát huy hiệu quả. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, quản lý, định hướng, kết nối và đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng hệ thống dự báo thông tin TTLĐ và dịch vụ việc làm.
* Về đề xuất các hoạt động hỗ trợ phát triển TTLĐ và việc làm 2021-2025, Cục Việc làm tham mưu với Bộ LĐ-TB và XH đề xuất hai tiểu dự án.
Đó là các tiểu dự án: “Phát triển thị trường lao động và việc làm” trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Riêng với tiểu dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021- 2025, phạm vi đề xuất triển khai trên cả nước.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, 50% hoạt động kết nối cung - cầu lao động thực hiện trực tuyến. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 40% tổng số lao động được tư vấn. Tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin TTLĐ cho 5 triệu lượt lao động. Hỗ trợ kết nối việc làm cho 100 nghìn lao động.