Giải bài toán ngập lụt đô thị

Mưa lũ ở miền trung trong năm qua và gần đây ngày càng lớn, gây ngập lụt nghiêm trọng không chỉ vùng nông thôn, vùng thấp trũng, ven sông suối… mà các đô thị lớn cũng thường xuyên bị ngập lụt với tần suất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến đời sống, sản xuất và tính mạng người dân. Việc tìm giải pháp phòng chống ngập lụt, giảm thiệt hại đang là vấn đề bức thiết của các địa phương tại khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế trong đợt ngập lụt vào giữa tháng 11 vừa qua. (Ảnh TRẦN THIÊN)
Trung tâm thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế trong đợt ngập lụt vào giữa tháng 11 vừa qua. (Ảnh TRẦN THIÊN)

Bài 1: Nhận diện nguyên nhân

Chừng 5 năm trở lại đây, vào mùa mưa, ngập lụt tại các khu vực đô thị ở miền trung ngày càng thường xuyên, trở thành một thứ “đặc sản” mà hầu như đô thị nào cũng có. Câu cửa miệng “hễ mưa là ngập” không chỉ dành riêng cho những nơi thấp trũng của đô thị, mà nay xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều khu vực, kể cả những nơi khá cao, chưa từng bị ngập lụt… khiến người dân, chính quyền khốn khổ, lao đao, thiệt hại về người và tài sản ngày càng nghiêm trọng.

Ngày 14/10/2022, thành phố Đà Nẵng hứng chịu đợt mưa chưa từng có trong lịch sử. Từ sáng sớm đến khoảng 22 giờ cùng ngày, lượng mưa ở Đà Nẵng lên đến xấp xỉ 800 mm, một vài nơi hơn 900 mm.

Như vậy, chỉ trong vòng 16 giờ, lượng mưa còn cao hơn tổng lượng mưa trung bình 1 tháng, vượt mọi kỷ lục lượng mưa trong một ngày mà Đà Nẵng nói riêng, miền trung nói chung từng ghi nhận.

Mưa lớn kết hợp với triều cường, sóng lớn, nước biển dâng cao khiến Đà Nẵng hoàn toàn “thất thủ” trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Gần như toàn bộ thành phố chìm trong biển nước, với hơn 400 khu dân cư, điểm, tuyến đường bị ngập sâu từ 20 cm trở lên, thậm chí có nơi ngập sâu đến 2m. Bà Nguyễn Thị Điểm, 95 tuổi, trú tại thôn Miếu Bông, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang cho biết: bà sống ngần này tuổi mà chưa bao giờ thấy cơn mưa lớn kéo dài mấy chục tiếng như vậy.

Tròn một năm sau, ngày 13/10/2023, Đà Nẵng lại một lần nữa chìm trong biển nước, với đợt mưa kéo dài từ rạng sáng ngày 13 đến trưa 14/10, với hơn 400 khu vực, tuyến đường, điểm ngập úng sâu từ 20 cm trở lên. Ngay cả những nơi chưa từng ngập, thì nay cũng không thoát cảnh nước lũ ngập sâu trong nhiều giờ.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 13 đến 16/11 xảy ra đợt mưa lớn trên diện rộng, kéo dài liên tục, tập trung vào 2 ngày 14 và 15/11 với tổng lưu lượng từ 800 mm đến hơn 1.000 mm, khiến nước trên các con sông dâng cao gây ngập diện rộng. Riêng tại thành phố Huế có khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập nặng. Mưa lũ làm 3 người chết, hơn 17.500 nhà dân bị ngập từ 0,3 đến 1,2m; hơn 3.500 hộ dân với hơn 8.800 nhân khẩu phải di dời.

Mưa lũ gây sạt lở nhiều đoạn bờ sông, bờ biển, hư hỏng hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi, bùn đất bao phủ khắp các tuyến đường, khu dân cư... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho rằng, lượng mưa cực lớn hồi giữa tháng 11 là chưa từng có, vượt qua mọi kịch bản ứng phó của địa phương. Mưa lớn liên tục, khiến nước sông suối lên nhanh, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng buộc phải xả lũ để bảo đảm an toàn, khiến lượng nước đổ về vùng đồng bằng rất lớn là nguyên nhân khiến thành phố Huế ngập lụt diện rộng.

Cũng như Huế, người dân thành phố Quảng Ngãi vẫn còn ám ảnh bởi đợt mưa lớn xảy ra vào cuối tháng 10/2021, khiến nhiều khu vực nội thành ngập sâu trong nước, đường phố biến thành sông.

Trong đó, nhiều tuyến phố bị ngập sâu khoảng 1m, hàng loạt nhà dân bị nước ập vào nhà trong đêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, giao thông tắc nghẽn, hàng loạt xe ô-tô chết máy nằm giữa đường.

Tại tỉnh Quảng Nam, tình trạng ngập lụt không chỉ xảy ra ở các vùng trũng thấp lâu nay, như phố cổ Hội An, thị trấn Ái Nghĩa, Vĩnh Điện… mà nay còn xảy ra tại trung tâm thành phố Tam Kỳ, đô thị mới hồi sinh và xây mới từ sau năm 1997. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh bộc bạch: Từ năm 2018 đến nay, nhiều tuyến đường ở đô thị Tam Kỳ thường xuyên bị ngập sâu khi có mưa lớn, tần suất và mức ngập liên tục tăng, khiến cuộc sống của người dân hết sức khổ sở, khó khăn trong mùa mưa.

Gần đây thì hễ có mưa lớn kéo dài là các đường phố, khu dân cư trên địa bàn Tam Kỳ lại bị ngập nước, mà ngoài lý do thời tiết cực đoan, nguyên nhân chính vẫn từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng nhưng thiếu tính toán, thiếu đồng bộ. Như tại khu vực phía đông Tam Kỳ, hàng loạt dự án mới xây dựng (trục đường chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai; đường Điện Biên Phủ…) đều cao hơn mặt bằng cũ, ít cống tiêu/thoát nước và ngăn chặn các dòng chảy tự nhiên, khiến đô thị Tam Kỳ ngập lụt khi mưa lớn.

Các đô thị khác ở vùng duyên hải miền trung như Đồng Hới, Đông Hà, Hội An, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang… đều xảy ra tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa lớn, trở thành vấn nạn, thành nỗi lo thường trực của người dân và chính quyền địa phương mỗi khi mùa mưa bão bắt đầu.

Ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, mưa cực đoan với tần suất, lưu lượng ngày càng lớn, thì các đô thị ở miền trung bị ngập lụt còn do quá trình phát triển đô thị tạo nên những xung đột, những lý do làm ngập lụt nghiêm trọng hơn, kéo dài và gây thiệt hại lớn hơn. Thạc sĩ Phan Thế Vinh, giảng viên Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Là người miền trung, tôi cho rằng vấn đề ngập lụt đô thị ở miền trung cần được xem xét cẩn trọng, vì mỗi đô thị có lịch sử hình thành, mức độ phát triển khác nhau.

Trong đó, thành phố Huế là đô thị cổ, nằm bên bờ sông Hương và giáp vùng đầm phá nên Huế thường xuyên bị ngập lụt khi có mưa, kể cả khi ở Huế mưa nhỏ, nước thượng nguồn về nhiều vẫn gây ngập lụt kéo dài. Thành phố Quảng Ngãi cũng có nét tương đồng, khi ở cạnh sông Trà Khúc và thường xuyên ngập khi mưa lớn ở vùng núi. Trong khi đó, ngập lụt ở các đô thị mới sát biển, gần sông như Đồng Hới, Tam Kỳ, Quy Nhơn, Nha Trang và đặc biệt là Đà Nẵng lại chủ yếu do mưa lớn tại chỗ, trong khi hệ thống thoát nước kém hiệu quả”.

Phân tích nguyên nhân ngập lụt xảy ra ngày càng nhiều ở các đô thị, trong đó có thành phố Đồng Hới, Tiến sĩ Đặng Tiến Dũng, chuyên gia về thủy lợi cho rằng, cùng với biến đổi khí hậu gây mưa, bão với tần suất lớn, diễn biến phức tạp, thì nguyên nhân không kém phần quan trọng là hệ thống thoát nước vừa ít, vừa nhỏ, lại thiếu đồng bộ, khu đô thị mới làm cao hơn các khu cũ nhưng chỉ làm thoát nước cho khu mới, không có phương án thoát nước cho khu cũ. Các khu vực đồng trũng, ao hồ… vốn là nơi chứa nước khi có mưa lớn, nay đã bị san lấp làm khu đô thị.

Cơ sở hạ tầng đô thị vừa thiếu vừa yếu, chưa đồng bộ đã làm cho việc tiêu thoát nước bị hạn chế, lượng nước mưa tập trung về những khu vực có địa hình thấp trũng gây nên hiện tượng ngập lụt sâu và kéo dài. Đối với các đô thị sát biển như Đồng Hới, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, những đợt mưa lớn kết hợp với triều cường, khiến các cửa cống, kênh thoát nước tự nhiên bị cản trở, góp phần làm ngập lụt đô thị thêm nghiêm trọng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh, kết quả khảo sát cho thấy, ở cửa biển như Thuận An, Tư Hiền…, đáy biển thường xuyên bị cát bồi tụ gây cản trở lớn đến quá trình thoát lũ ra biển cho toàn bộ lưu vực vùng đầm phá, kết hợp với các công trình, dự án mới ven sông, ven biển được xây dựng cao hơn các khu vực dân cư cũ, cống tiêu thoát trên tuyến ít và khẩu độ nhỏ chưa bảo đảm tiêu thoát lũ, trở thành những “con đê” chắn lũ.

Với cơ sở hạ tầng đô thị phát triển nhanh, nhưng thiếu đồng bộ, làm cho việc tiêu thoát nước bị hạn chế, toàn bộ lượng nước tập trung về những khu vực có địa hình thấp trũng gây nên hiện tượng ngập lụt sâu và kéo dài ở hàng loạt đô thị miền trung trong thời gian qua.

(Còn nữa)