Trong hai ngày Hội nghị đã diễn ra hơn 100 phiên thảo luận, với sự tham gia của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước, trong đó có 40 Tổng thống và người đứng đầu Chính phủ, nhiều lãnh đạo cấp Chính phủ và Bộ trưởng các nước, lãnh đạo các các tổ chức quốc tế quan trọng như: Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và đại diện đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các tổ chức chính trị-xã hội.
Các nhà lãnh đạo đã đạt nhận thức chung và nhất trí một số nội dung quan trọng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách hệ thống tài chính quốc tế và đổi mới mô hình các ngân hàng phát triển đa phương, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm ứng phó các thách thức toàn cầu.
Theo đó, cần tận dụng tất cả các nguồn tài chính, bao gồm cả hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn lực trong nước và đầu tư tư nhân để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Thứ hai là thúc đẩy đoàn kết quốc tế, quản lý các cấu trúc tài chính quốc tế hiệu quả, công bằng và phù hợp bối cảnh quốc tế hiện nay.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc bảo đảm một số nguyên tắc: (i) Xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững cần triển khai song hành cùng nhau; (ii) Cần đa dạng hóa các chiến lược chuyển đổi năng lượng, thực hiện các mục tiêu khí hậu gắn với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia; và (iii) Phát huy vai trò quan trọng của nguồn tài chính tư nhân tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Hội nghị tại Paris đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với các thách thức toàn cầu và nỗ lực chung của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề về đói nghèo, biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Các nước phát triển đưa ra một số cam kết cụ thể về hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển như: phân bổ 100 tỷ USD Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cho các nước dễ bị tổn thương; phấn đấu và khả năng cao đạt mục tiêu huy động 100 tỷ USD tài chính cho khí hậu và thúc đẩy nâng cao năng lực cho vay của các ngân hàng đa phương thêm 200 tỷ USD trong 10 năm tới...
Hội nghị thông qua một số văn kiện quan trọng như: Đồng thuận Paris về con người và hành tinh, Tuyên bố về tầm nhìn của các ngân hàng phát triển đa phương, Bản tóm tắt kết quả Hội nghị và lộ trình triển khai các cam kết.
Nhân dịp dự Lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tiếp Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry.
Phó Thủ tướng Trần Hồng tiếp Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry. |
Hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua trong nhiều lĩnh vực trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thực chất; nhấn mạnh hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác; hoan nghênh các đối tác Mỹ cùng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, truyền tải điện thông minh tại Việt Nam.
Đặc phái viên John Kerry đánh giá cao cam kết và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo; mong muốn Việt Nam đạt được nhiều bước tiến trong lĩnh vực này để trở thành hình mẫu quốc tế tại COP28.
Ông John Kerry khẳng định sẽ phối hợp huy động các nguồn lực từ khu vực công và khu vực tư của Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.