Bình Phước áp dụng khoa học-công nghệ phát triển nông nghiệp

Khoa học-công nghệ và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh Bình Phước đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ, tạo động lực cho ngành nông nghiệp từng bước phát triển...
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước Đặng Dương Minh Hoàng (huyện Bù Gia Mập) tập huấn kỹ thuật phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái.
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước Đặng Dương Minh Hoàng (huyện Bù Gia Mập) tập huấn kỹ thuật phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái.

Theo đánh giá, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước bước đầu có chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Sản xuất ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến) và loại hình tổ chức (hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp), từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô vừa và lớn, nhất là trong chăn nuôi, cây công nghiệp lâu năm.

Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất

Tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh hiện có 424.754 ha, trong đó, cây cao-su, cây điều đứng đầu cả nước. Trong đó, cao-su 244.925 ha (chiếm 26% diện tích cả nước), cây điều 151.878 ha (chiếm 50,6% diện tích cả nước), hồ tiêu 13.607 ha (chiếm 10,7% diện tích cả nước). Lĩnh vực chăn nuôi đã thu hút được nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn với 478 trang trại; trong đó, tỷ lệ trang trại chuồng kín, lạnh chiếm 66%.

Hiện, Bình Phước đang tập trung quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 2.374 ha, diện tích đã đưa vào sản xuất là 1.643 ha thực hiện các dự án trồng chuối xuất khẩu, chủ yếu được xuất khẩu đi Trung Quốc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết: Những kết quả bước đầu đạt được cho thấy, Bình Phước có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, công nghiệp trong nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất còn thiếu bền vững so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao; ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật chưa nhiều; các tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp (tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) chủ yếu vẫn dựa vào lợi thế đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, lao động giản đơn, diện tích, quy mô nhỏ và vừa. Doanh nghiệp chủ yếu chế biến thô hoặc chỉ gia công nên giá trị gia tăng chưa cao; tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp, chế biến sâu còn thấp.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2020-2025, ngành nông nghiệp địa phương đang được cơ cấu lại trên ngành hàng chủ lực: sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và gỗ mỹ nghệ. Tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trồng, chăm sóc, chế biến và phát triển hệ thống bảo quản sau thu hoạch; phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; quản lý, phát triển rừng và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch.

Một trong những chuyển biến thấy rõ trong sản xuất nông nghiệp là sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao là thế mạnh của tỉnh như: sầu riêng, ổi ruột đỏ, bưởi da xanh, măng cụt, bơ, mít, yến sào, dưa lưới... Hầu hết, các sản phẩm đều đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí, chứng nhận chất lượng OCOP (mỗi xã một sản phẩm), xây dựng mô hình canh tác VietGAP, GlobalGAP, hệ thống mã số vùng sản xuất.

Bình Phước đã áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, khoa học-kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, phân bón, vận hành hệ thống VAHIS báo cáo trực tuyến cấp tỉnh về tình hình dịch bệnh; lập bản đồ dịch tễ.

Đến nay, Bình Phước đã cấp 19 mã số cơ sở vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 1.997,8 ha, sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm. Toàn tỉnh đã có 84 hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; 22 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 hợp tác xã nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic... Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo uy tín, thương hiệu, tăng khả năng gia nhập thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới phát triển bền vững.

Tích cực ứng dụng chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Bình Phước đã được áp dụng rộng rãi. Đây là cơ sở để tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh vào năm 2025 sẽ đạt tỷ lệ 20% trang trại, cơ sở sản xuất được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP được số hóa; thực hiện thí điểm chuyển đổi số toàn diện mô hình sản xuất cho một số hợp tác xã, đẩy mạnh đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.

Ông Arif Widjaja, Tổng Giám đốc Japfa Việt Nam (Khu công nghiệp Minh Hưng-Sikico, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản) cho biết: Chúng tôi đầu tư tổ hợp nhà máy tại Bình Phước hoàn thiện theo chuỗi cung ứng: Thức ăn chăn nuôi-trang trại-thực phẩm một cách bền vững. Toàn bộ hệ thống được vận hành tự động từ: Sát trùng xe từ đầu cổng vào trang trại, máng ăn, máng uống được tự động hóa các khâu; thức ăn được chứa trong các silo và dùng băng tải để đưa vào từng ô chuồng nuôi; nước uống cũng được tự động hóa đến các chuồng trại; tiêm phòng sử dụng ống tiêm tự động. Ngoài ra, khu chăn nuôi được bố trí logic, hiện đại, sử dụng mái tôn chống nóng, có hệ thống làm mát điều chỉnh nhiệt độ theo thời tiết mỗi ngày, có sử dụng hệ thống làm mát cân bằng nhiệt vào mùa khô.

“Từ những công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến được ứng dụng vào trong chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao trong sản xuất, giảm được số lượng người quản lý, tiết kiệm sử dụng nước uống, thức ăn, thuốc điều trị bệnh và vắc-xin tiêm phòng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm giảm rất rõ. Đây là bước tiến lớn trong quá trình chăn nuôi ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn với chăn nuôi chuỗi khép kín, an toàn dịch bệnh và hướng đến xuất khẩu”, đồng chí Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước chia sẻ.

Song song với cải tiến công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, Bình Phước đẩy mạnh giảm tổn thất sau thu hoạch. Ông Giang Văn Khoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học-kỹ thuật tỉnh Bình Phước cho biết: Trong những vấn đề khó khăn hiện nay của nông nghiệp Bình Phước là thực trạng tổn thất trước và sau thu hoạch nông sản còn ở mức cao, bình quân khoảng 20% mỗi năm; trong đó, cây có hạt khoảng 10%; cây có củ 10-20% và rau quả 10-30%. Vài năm trở lại đây, tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong quy trình sơ chế, lưu trữ và bảo quản các mặt hàng nông sản một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, đặc biệt là trong chế biến hạt điều.

Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại là đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ đã nâng cao sức đề kháng cho ngành nông nghiệp trước các đợt đại dịch cũng như biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Qua đó góp phần nâng cao đời sống nông dân; khẳng định nông nghiệp không chỉ đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà đang dần trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững ở Bình Phước.