Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, giai đoạn 2022-2023, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp, từng bước hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng trong tăng trưởng ngành, thúc đẩy tái cơ cấu và xuất khẩu. Đơn cử như trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, đã công nhận được hai giống lúa, hai giống khoai lang và một giống sắn, 14 giống cây thực phẩm, tự công bố lưu hành giống chanh leo Nafoods 1 phù hợp cho chế biến, xác định được một giống cà-phê chè triển vọng chất lượng cao TN9 và 14 dòng cà-phê mới. Ngoài ra, tự công bố lưu hành năm giống dược liệu bao gồm: đinh lăng, chè dây, ba kích, đương quy Nhật Bản, giảo cổ lam. Giống mới và quy trình kỹ thuật được các công ty dược và người dân trồng dược liệu tại Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình áp dụng, cho hiệu quả kinh tế hơn so với giống đối chứng.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, những kết quả trên đã chứng tỏ vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ nông nghiệp được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm và ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nhiều chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030 liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi để định hướng và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2021-2030.
Các Chương trình khoa học, công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2030 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý cơ bản đã có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Hai bộ cũng đã thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của tái cơ cấu ngành; tập trung cho các lĩnh vực: Chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng và công nhận các tiến bộ về quy trình canh tác, quy trình chăn nuôi, giải pháp phòng chống bệnh cho vật nuôi; quy trình công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; thiết kế hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị phục vụ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho ngành; sở hữu trí tuệ…
Thực tiễn triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ lĩnh vực nông nghiệp đã bộc lộ những bất cập. Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra của ngành, còn dàn trải; phân bổ nguồn kinh phí chưa kịp thời, ảnh hưởng tiến độ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, do vậy, chưa tạo được sự bứt phá trong các lĩnh vực nghiên cứu phục vụ phát triển ngành.
Nguồn lực cũng cần được tăng cường đầu tư để nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với một số hướng nghiên cứu và công nghệ mới. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý, xử lý tài sản khi kết thúc nhiệm vụ còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho việc chuyển giao các kết quả là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học, công nghệ.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm sửa đổi Nghị định 70/2018/NĐ-CP theo hướng giao sản phẩm khoa học, công nghệ hình thành từ các nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ để chủ động khai thác, sử dụng và chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm theo quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ và các quy định khác.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ khó khăn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp.