Văn học -Nghệ thuật

Giá trị của văn học, nghệ thuật kháng chiến (1945 - 1954)

Nhân kỷ niệm 75 năm ra đời "Ðề cương về văn hóa Việt Nam" của Ðảng Cộng sản Việt Nam (1943 - 2018), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức Trưng bày chuyên đề "Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945 - 1954)" tại 216 Trần Quang Khải, Hà Nội từ ngày 8-6 đến hết tháng 9-2018.

Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thái Nguyên. Ảnh Tư liệu
Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thái Nguyên. Ảnh Tư liệu

Với gần 200 hình ảnh, hiện vật, bản trích, bản viết đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Văn học Việt Nam, trưng bày đem đến cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ, những nhận thức sâu sắc về giá trị tư tưởng, giá trị soi đường của "Ðề cương về văn hóa Việt Nam", cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Ðảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo nêu rõ những quan điểm tư tưởng của Ðảng đối với các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Bên cạnh đó, trưng bày phản ánh những nhận xét, đánh giá của các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ cùng nhiều tài liệu, kỷ vật, hình ảnh của chặng đường văn học - nghệ thuật kháng chiến thời kỳ 1945 - 1954 dưới ánh sáng của đường lối văn hóa, văn nghệ của Ðảng. Người xem được thấy lại hình ảnh di tích làng Võng La (Ðông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội) nơi Hội nghị Thường vụ T.Ư Ðảng họp từ ngày 25 đến 28-2-1943 thông qua bản "Ðề cương về văn hóa Việt Nam"; Tạp chí Tiên Phong số 1 (ngày 10-11-1945) đăng toàn văn "Ðề cương về văn hóa Việt Nam"… Tác phẩm Nhật ký trong tù với phần ghi chép những suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng một nền văn hóa dân tộc là hiện vật đặc biệt tại trưng bày. Ðiều trùng hợp là cũng vào năm 1943, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi chép lại những suy nghĩ của mình thì Ðảng công bố bản "Ðề cương về văn hóa Việt Nam". Hai sự kiện ở một thời gian, tuy địa điểm khác nhau nhưng cùng một cội nguồn, một tư tưởng.

Các hiện vật, tài liệu được trưng bày đã chứng minh bản đề cương lịch sử năm 1943 đã soi đường, chắp cách cho hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo trong những năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ. Họ vừa cầm bút vừa cầm súng chiến đấu, thật sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa với ý chí quyết tâm phục vụ kháng chiến, nhân dân. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật luôn bám sát hiện thực và nhiệm vụ cách mạng; phản ánh sinh động thực tiễn đấu tranh; kịp thời động viên, cổ vũ toàn dân, toàn quân thi đua tăng gia sản xuất, lập nhiều chiến công, xây dựng đời sống văn hóa mới. Có nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu được trưng bày như Chuyện biên giới (1951), Ðôi mắt (1954) của nhà văn Nam Cao; Tình chiến dịch (1950) của nhà văn Nguyễn Tuân; Chuyện Tây Bắc (1954) của nhà văn Tô Hoài; các tiểu thuyết, truyện ngắn ra đời trong khói lửa chiến tranh của các nhà văn Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Nguyễn Ðình Thi, Tô Hoài… Giới nhạc sĩ cũng có nhiều tác phẩm để đời thể hiện tinh thần hết lòng vì kháng chiến. Trưng bày có bàn đá in bài hát Hò kéo pháo vào trận địa của nhạc sĩ Hoàng Vân, Quân dân bảo vệ đường chiến thắng của Trọng Lanh. Các bản nhạc Làng tôi, Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao do Nhà xuất bản Văn nghệ in năm 1954 cũng được trưng bày. Ở lĩnh vực mỹ thuật, nhiều hiện vật tranh cổ động gắn liền các phong trào kháng chiến được trưng bày như tranh cổ động phong trào Mùa đông binh sĩ, giáo dục tinh thần quyết tâm giữ vững Việt Bắc, cổ động nhân dân thi đua tăng gia sản xuất hưởng ứng chiến dịch mùa xuân năm 1951. Bên cạnh đó, là những bài viết, nhận định sắc bén của các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ tên tuổi như Ðặng Thai Mai, Xuân Trường, Tố Hữu, Mười Hương, Lê Quang Ðạo,… Công chúng còn được tiếp cận nhiều tư liệu, hiện vật quý như tượng "Chân dung Bác Hồ" của bà Nguyễn Thị Kim, nữ họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam đầu tiên được trực tiếp nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946; thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa tháng 12-1951; thư của họa sĩ Tô Ngọc Vân, Giám đốc Trường Mỹ thuật Việt Bắc gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17-1-1952…

Với kết cấu chặt chẽ, Trưng bày "Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945 - 1954)" đã khẳng định những nội dung tư tưởng của "Ðề cương về văn hóa Việt Nam"; đồng thời tôn vinh cống hiến của lớp văn nghệ sĩ đầu tiên đã tiếp nhận các nội dung tư tưởng của Ðề cương, đóng góp to lớn cho nền văn học, nghệ thuật cách mạng phát triển rực rỡ với nhiều tác phẩm đỉnh cao sống mãi với thời gian.