Giá trị của văn hóa trong Quy hoạch tổng thể quốc gia

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những quan điểm phát triển được Nghị quyết xác định rõ: Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào dân tộc trình diễn dân vũ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đồng bào dân tộc trình diễn dân vũ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh... Quan điểm phát triển, trong đó có “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”, coi văn hóa là trụ cột trong phát triển bền vững, là quan điểm thật sự xuất phát từ văn hóa và gắn liền với sự phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trên cơ sở quy hoạch này, các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành mới được triển khai, tạo thành hệ thống đồng bộ, bảo đảm cho sự phát triển chung, thống nhất của cả nước. Văn hóa là lĩnh vực vừa có tính bao trùm, vừa liên quan trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các lĩnh vực của xã hội cho nên khi xem xét bất kỳ một quy hoạch nào cũng cần tính toán đến yếu tố văn hóa. Thí dụ, khi kinh tế được tính toán dựa vào văn hóa, kinh tế sẽ khai thác được những giá trị của văn hóa để tạo ra tính độc đáo của sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.

Trong bảy định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia, Quy hoạch xác định rõ, phát triển văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội; phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân và gắn với việc hình thành, phát triển các không gian văn hóa của đất nước.

Xây dựng các cơ sở văn hóa quốc gia trở thành những thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước. Các bảo tàng quốc gia, thư viện cấp quốc gia, các cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia sẽ được xây dựng, cải tạo, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Đầu tư phát triển, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là các di sản được UNESCO công nhận. Hình thành kinh tế thể thao chuyên nghiệp; phát triển mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế...

Bên cạnh đó, trong các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, cũng có ý kiến đề xuất các chỉ tiêu nên có sự định lượng cụ thể, chi tiết hơn. Nếu so với lĩnh vực khác có các chỉ tiêu rất cụ thể (nhờ đó dễ đánh giá khi thực hiện quy hoạch), như y tế “đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên một vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%”, thì việc không có chỉ tiêu định lượng khiến lĩnh vực văn hóa khó được quan tâm cụ thể, khó có thể huy động nguồn lực cho những dự án, công trình văn hóa quan trọng, tạo dấu ấn cho sự phát triển nền văn hóa quốc gia.

Song, cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là tổ chức triển khai hiệu quả quy hoạch. Để văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội thì việc đặt yếu tố văn hóa trong Quy hoạch tổng thể quốc gia là hết sức cần thiết. Kỳ vọng khi thực hiện quy hoạch đặc biệt quan trọng này, giá trị văn hóa sẽ góp phần phát huy tối đa lợi thế vùng, miền; để văn hóa thực sự là động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước như Đại hội XIII của Đảng đã xác định.