Gia Lai khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão

NDO - Trên tinh thần không chủ quan, chủ động ứng phó với bão lũ trong những ngày qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở Gia Lai đã cùng vào cuộc, bám sát cơ sở để chỉ đạo, nhờ vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra…
0:00 / 0:00
0:00
Khắc phục vị trí sạt lở đường vành đai xã Krong-Đắk Smar-LơKu (huyện Kbang).
Khắc phục vị trí sạt lở đường vành đai xã Krong-Đắk Smar-LơKu (huyện Kbang).

Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, từ ngày 25 đến chiều 28/9, toàn tỉnh có 7 căn nhà bị tốc mái tại các huyện Chư Sê, Mang Yang, Kbang.

Mưa lớn làm ngập chân nhà sàn của 16 hộ dân ở buôn Plei A và Plei B, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện.

Nước lũ cũng làm xói lở, xâm lấn khu dân cư tại thôn Đoàn Kết, xã Chư Răng, huyện Ia Pa. Mưa bão cũng gây ngập úng cục bộ ở một số địa phương; thiệt hại một số diện tích hoa màu, nhưng đáng mừng là bão số 4 không gây thiệt hại về người.

Thiệt hại do bão số 4 gây ra được hạn chế đến mức thấp nhất là nhờ các địa phương đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi lực lượng ứng phó với bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ.

Thiệt hại do bão số 4 gây ra được hạn chế đến mức thấp nhất là nhờ các địa phương đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó.

Các địa phương đã tổ chức di dời 382 hộ tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét đến nơi an toàn (huyện Kông Chro 40 hộ, Kbang 108 hộ, Ia Pa 82 hộ, Mang Yang 152 hộ) trước khi bão đổ bộ vào đất liền; đồng thời, lên kế hoạch sẵn sàng di dời 8.470 khẩu tại các huyện phía đông nam tỉnh (huyện Phú Thiện 500 người, huyện Ia Pa 7.970 người).

Báo cáo tại buổi họp trực tuyến với Chính phủ về công tác rà soát ứng phó với bão số 4 vào tối 27/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long khẳng định: Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các cấp cơ sở chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; các địa phương thực hiện nghiêm việc tổ chức trực ban 24/24 giờ.

“Để kịp thời ứng phó khẩn cấp với bão số 4, Tỉnh ủy đã phân công các Ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp xuống cơ sở đi kiểm tra, chỉ đạo các địa bàn trọng yếu. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng bám sát địa bàn 8 huyện trọng điểm về thiên tai để cùng với chính quyền cơ sở nhanh chóng triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả.

Ngoài việc kiểm tra, rà soát, xác định những vị trí xung yếu có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để chủ động phương án ứng phó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương rà soát, tổ chức di dời dân ở các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn…”, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết.

Theo Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, hiện nay, các địa phương đang khẩn trương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại do bão số 4 gây ra để nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục, ổn định cuộc sống.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho biết: Mưa bão đã làm một số diện tích lúa vụ mùa bị ngã đổ, chính quyền địa phương đang khẩn trương thống kê thiệt hại để đề xuất hỗ trợ người dân.

Cùng với đó, huy động lực lượng giúp bà con nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa bị ngã đổ ngay sau khi thời tiết thuận lợi, vận động người dân khơi thông cống rãnh thoát nước, tránh ngập úng các diện tích hoa màu.

“Ngay sau khi nước rút, huyện sẽ huy động lực lượng cùng người dân dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi. Hiện mực nước các sông, suối, đập tràn vẫn đang ở mức cao, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn tiềm ẩn. Vì vậy, chúng tôi tuyên truyền người dân không đi qua các khu vực này nếu không thực sự cần thiết để tránh nguy hiểm có thể xảy ra”, ông Bùi Trọng Thành cho biết thêm.

Ngay sau khi nước rút, huyện sẽ huy động lực lượng cùng người dân dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi. Hiện mực nước các sông, suối, đập tràn vẫn đang ở mức cao, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn tiềm ẩn.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện

Trong khi đó, huyện Kbang đang tiếp tục theo dõi diễn biến hoàn lưu sau bão để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra, tổ chức các đoàn kiểm tra tại các xã nhằm khắc phục kịp thời thiệt hại do bão số 4 gây ra.

“Hiện một số nơi vẫn còn mưa nhỏ đến mưa vừa nên chúng tôi chỉ đạo các xã, thị trấn không được lơ là, chủ quan mà thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là khả năng xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Địa phương cũng tiếp tục kiểm tra các khu vực nguy hiểm như đập tràn, nơi có nguy cơ sạt lở cao để bố trí lực lượng ứng trực, không để người dân qua lại”, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang Lê Thanh Sơn cho biết.

Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, hiện nay các đơn vị quân đội trung ương và địa phương đứng chân trên địa bàn đã cử cán bộ, chiến sĩ về các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 4 tham gia giúp dân gặt lúa, dọn dẹp nhà cửa, thu dọn cây bị ngã đổ, sẵn sàng di dời người dân ở các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt do nước sông dâng cao.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cũng đã chuẩn bị phương tiện, trang, thiết bị và huy động cán bộ, chiến sĩ để triển khai giúp đỡ các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ khi có tình huống cấp bách.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện phương châm “Bám dân, bám địa bàn, nắm chắc diễn biến mưa lũ” để có biện pháp giúp đỡ người dân, đặc biệt là tại các khu vực dễ xảy ra ngập lụt cục bộ, chia cắt do mưa lũ, nước sông dâng cao; sẵn sàng triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

“Sau khi bão số 4 đi qua, hoàn lưu của bão thường gây mưa lớn. Vì vậy, tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, lượng mưa, đồng thời chốt trực tại những ngầm tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở nhằm hạn chế người dân đi lại. Bên cạnh đó, các địa phương nhanh chóng rà soát, thống kê và đánh giá thiệt hại về tài sản, cây trồng, hoa màu, nhà ở… báo cáo UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ trên tinh thần nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kpă Thuyên cho biết.