Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 100.000 ha cà-phê, sản lượng hơn 315.000 tấn/năm; hơn 7.700 ha hồ tiêu, sản lượng hơn 23.300 tấn/năm; hơn 84.000 ha cao su với sản lượng mủ khô hơn 79.000 tấn/năm; hơn 30.000 ha trái cây các loại; gần 80.000 ha sắn với sản lượng hơn 1.611.000 tấn/năm… cùng nhiều loại nông sản khác là nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến và xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh.
Phát huy lợi thế
Hiện nay, các mặt hàng nông sản của tỉnh Gia Lai đang dần khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường thế giới. Bên cạnh cà-phê, ba năm gần đây xuất khẩu trái cây nói chung và các mặt hàng chanh dây nói riêng đạt được kết quả khả quan. Bình quân mỗi năm, ngành hàng trái cây xuất khẩu đạt kim ngạch 120-150 triệu USD.
Gia Lai hiện có hơn 255.600 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 43,1% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh), trong đó, gần 60.000 ha được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn.
Toàn tỉnh đã được cấp 227 mã số vùng trồng với diện tích 9.668 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.500-1.700 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu là trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ...
Hiện nay, một số loại trái cây tươi của Gia Lai như: Sầu riêng, chuối, chanh dây… đã đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.
Phó Giám đốc Sở Công thương Ðào Thị Thu Nguyệt cho biết: Trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang gần 50 quốc gia. Trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với các mặt hàng như cà-phê, sản phẩm gỗ, trái cây chế biến; thị trường châu Á chiếm khoảng 30% với các mặt hàng: cao su, cà-phê, sản phẩm gỗ; còn lại là các thị trường khác.
Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh trong nông sản xuất khẩu, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Gia Lai chủ trương xây dựng các chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản địa phương. Gia Lai đã triển khai Ðề án "Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040". Mục tiêu là mở rộng diện tích cây ăn quả lên và đạt khoảng 100.000 ha vào năm 2040.
Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân đầu tư xây dựng để đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu sang các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Cà-phê là mặt hàng chủ lực chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ðể thúc đẩy ngành hàng cà-phê phát triển, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh triển khai lựa chọn giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng hữu cơ để áp dụng vào sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng nông sản; đồng thời, canh tác các loại cây trồng chủ lực theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance, GlobalGAP, 4C, Organic, FLO… gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm tăng tính minh bạch cho sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục nghiên cứu đưa cơ giới vào sản xuất cà-phê để giảm chi phí đầu vào; nỗ lực xây dựng mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Song song với đó, tổ chức tốt liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, thực hiện tốt quy định chống phá rừng của EU, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường mới. Theo định hướng, Gia Lai sẽ giữ ổn định diện tích cà-phê ở mức 100-110.000 ha và phấn đấu đến năm 2030 có 80% diện tích cà-phê sản xuất theo các tiêu chuẩn.
Chủ động nắm bắt thời cơ
Thời gian qua, ngành Công thương Gia Lai đã đẩy mạnh công tác cập nhật thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường công tác xúc tiến thương mại… giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng thị trường.
Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Phạm Văn Binh cho biết: Ðể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, Sở Công thương triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy xuất nhập khẩu như tích cực mời gọi, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công thương và các đơn vị khác; tăng cường tập huấn, đào tạo ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện xúc tiến thương mại trực tuyến và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế; giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành và đa ngành dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế cho công chức, doanh nghiệp, người lao động thông qua nhiều hình thức. Trong đó chú trọng tuyên truyền tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; các cam kết trong từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể để doanh nghiệp nắm quy định về sản phẩm tại thị trường các nước đối tác tham gia Hiệp định. Song song với đó, Sở còn phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Công thương, cơ quan đầu mối tổ chức các hội thảo, tập huấn về các Hiệp định thương mại tự do trong một số lĩnh vực như: Thuế, quy tắc xuất xứ, đầu tư, dịch vụ, hải quan, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường thông qua các hình thức phù hợp, đẩy mạnh sử dụng môi trường kỹ thuật số hoặc đăng tải tài liệu trên các trang thông tin điện tử của cơ quan nhằm tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm tính tương tác, hiệu quả, tiết kiệm...
Hiện nay EU đã chính thức ban hành Quy định về chống mất rừng (viết tắt là EUDR), áp dụng cho bảy nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Việt Nam có ba nhóm ngành bị tác động chính, đó là gỗ, cao su và cà-phê.
Ngay từ khi có thông báo vào năm 2023, tỉnh Gia Lai đã chủ động, tích cực trong việc thích ứng với quy định của EU. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động rà soát chuỗi cung ứng, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong chuỗi, nhất là mạng lưới tư thương, các nông hộ - những người cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các yêu cầu của EUDR, bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các quy định trong chuỗi, và vị trí của thửa đất sản xuất.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt yêu cầu về EUDR, có sự thay đổi hoặc điều chỉnh chuỗi cung hiện tại của mình để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của EUDR. Tập trung ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững.
Không những vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các tổ chức, mô hình liên kết sản xuất cà-phê bền vững, có chứng nhận để thực thi quy định chống phá rừng của EU. Hiện nay, cà-phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 100.000 ha trải rộng ở 10 huyện, thành phố. Trong đó, gần 60.000 ha cà-phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, Organic...Ðến thời điểm này, phần lớn cà-phê của tỉnh nằm ở "vùng an toàn" so với quy định của EU.
Tỉnh xác định cơ cấu hàng hóa xuất khẩu nhóm hàng nông sản, chiếm tỷ trọng hơn 83% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng lâm sản, hàng khác chiếm tỷ trọng 15%; tiếp tục phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà-phê nhân, tiêu hạt, hạt điều, mủ cao su và thúc đẩy mở rộng mặt hàng tiềm năng: Cà-phê rang xay, cà-phê hòa tan, hoa quả đóng hộp, nước ép trái cây, các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao; định hướng thị trường xuất khẩu là các quốc gia đã ký kết FTA với Việt Nam; khai thác triệt để Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA với trọng tâm tìm kiếm thị trường cho hàng nông sản chủ lực: Cà-phê nhân, cà-phê bột, hồ tiêu, hạt điều, cao su, sắn lát, hoa quả.