Chủ động giải pháp giữ giá gạo xuất khẩu

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 524 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ lần lượt là 38 USD/tấn và 80 USD/tấn. Tuy nhiên, so với trước khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường (phi basmati) thì giá gạo xuất khẩu của hầu hết các quốc gia đều giảm từ 38-50 USD/tấn. Để giữ giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới, ngành lúa gạo Việt Nam cần chủ động phương án sản xuất và tiêu thụ phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. (Ảnh HÀ ANH)
Thu hoạch lúa tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. (Ảnh HÀ ANH)

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu gạo 10 tháng đã vượt cả năm 2023 và dự báo sẽ cán mốc hơn 5 tỷ USD cả năm 2024.

Philippines, Indonesia, Malaysia… vẫn là những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Theo Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành, Việt Nam hiện đang giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines. Tính đến cuối tháng 10 năm 2024, Philippines nhập khẩu 2,91 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines sẽ đạt hơn 3,5 triệu tấn. Nhằm đẩy mạnh thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước, ngày 5/11, VFA đã chủ trì tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại gạo năm 2024 và tri ân khách hàng tại Manila (Philippines) với hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo và đại diện của hơn 70 doanh nghiệp Philippines quan tâm tham gia.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, từ đầu năm 2024 đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam tương đối thuận lợi do vẫn được hưởng lợi từ yếu tố nguồn cung khi Ấn Độ chưa gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, Ấn Độ liên tiếp có các động thái nới lỏng xuất khẩu khi cuối tháng 9 chính thức gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati, kèm điều kiện giá sàn xuất khẩu là 490 USD/tấn. Đến cuối tháng 10, Ấn Độ lại thông báo sửa đổi chính sách xuất khẩu gạo phi basmati, bãi bỏ quy định giá xuất khẩu tối thiểu 490 USD/tấn. Ngay sau đó, giá gạo xuất khẩu của các quốc gia đều sụt giảm nhanh chóng. Điều này đang dấy lên lo ngại cho nhiều quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Trước bối cảnh gia tăng dân số, lượng khách du lịch và lực lượng lao động châu Á đến châu lục ngày càng nhiều, nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi có chiều hướng tăng lên. Ngoài ra, trong tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường gạo thế giới, nguồn cung tăng thì châu Phi - nơi có nhiều vấn đề về an ninh lương thực, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, lại là thị trường xuất khẩu gạo tiềm năng của Việt Nam trong thời gian gần đây và dự kiến trong cả những năm tới.

Bên cạnh sự cạnh tranh về giá với gạo Ấn Độ thì nguồn cung gạo trên thế giới ghi nhận tăng cũng là một trong những nguyên nhân kéo theo tình trạng giá gạo xuất khẩu giảm. VFA cho biết, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên khóa 2024/2025 đạt 539,2 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó là 536,9 triệu tấn; đồng thời dự báo dự trữ gạo toàn cầu niên khóa 2024/2025 đạt mức kỷ lục 206,9 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó là 204,8 triệu tấn và tăng so với ước tính 199 triệu tấn trong niên khóa 2023/2024.

Trước bối cảnh này, ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm tính các phương án sản xuất và kinh doanh phù hợp trong cuối năm 2024 và nhất là đầu năm 2025. Về thị trường xuất khẩu, một mặt vẫn chú trọng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Philippines, Indonesia… vì nhu cầu nhập khẩu gạo của các quốc gia này vẫn đang tăng cao. Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines cả năm 2024 sẽ ở mức hơn 4 triệu tấn, có thể đạt 4,5 triệu tấn, cao hơn rất nhiều so với mức 3,61 triệu tấn của năm 2023. Các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân Philippines trên nhiều phân khúc khác nhau để xây dựng các vùng nguyên liệu lúa và sản xuất các sản phẩm gạo đáp ứng được nhu cầu, đặc tính và đòi hỏi riêng của thị trường Philippines với chất lượng ổn định, giá thành phù hợp và bảo đảm nguồn cung lâu dài. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như Liên minh châu Âu, Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông. Mới đây, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) đã được ký kết sẽ mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam nói chung và gạo Việt Nam nói riêng thâm nhập vào thị trường Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và các nước tại khu vực Trung Đông cũng như các thị trường khác ở Tây Á và châu Phi.

Về sản xuất, theo Phó Cục trưởng Trồng trọt Lê Thanh Tùng, các địa phương sẽ tiếp tục tập trung vào sản xuất các loại gạo chất lượng cao, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như các loại gạo thơm, gạo đặc sản… Trong đó, quan tâm tập trung nguồn lực cho việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” để đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Điều này vừa phù hợp xu thế tiêu dùng mới của nhiều quốc gia trên thế giới, vừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam.