Gia Lai: Cần đẩy mạnh hoạt động công tác xã hội tại các bệnh viện

NDO - Toàn tỉnh Gia Lai có 24/26 bệnh viện triển khai tổ công tác xã hội, 120 người tham gia các tổ công tác xã hội nhưng chỉ có 6 cán bộ chuyên trách. Cán bộ chưa được đào tạo bài bản, công việc chủ yếu kiêm nhiệm, chưa có những hoạt động hỗ trợ người bệnh nổi bật... là những khó khăn với địa bàn này. 
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp tục hoạt động khảo sát và đánh giá về công tác xã hội trong bệnh viện trên cả nước, ngày 22/8, Đoàn Công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn đã làm việc tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh-Gia Lai.

Đại diện Sở Y tế Gia Lai cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 24/26 bệnh viện triển khai tổ công tác xã hội, 120 người tham gia các tổ công tác xã hội nhưng chỉ có 6 cán bộ chuyên trách. Các tổ công tác xã hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người bệnh; hỗ trợ các bệnh nhân hiểm nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn…

Mặc dù vậy, công tác xã hội tại các bệnh viện tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Hiện chưa có bệnh viện nào có Phòng công tác xã hội, các tổ công tác xã hội chủ yếu lồng ghép phòng Kế hoạch tổng hợp, hoặc phòng Tổ chức hành chính hoặc phòng Điều dưỡng. Đa số các cán bộ tham gia công tác xã hội đều kiêm nhiệm và chưa được đào tạo tập huấn.

Các hoạt động công tác xã hội diễn ra còn nhỏ lẻ, tự phát chưa có chương trình hành động và kế hoạch cụ thể; chưa phát huy hết nhiệm vụ và vai trò của Tổ công tác xã hội trong bệnh viện…

Sở Y tế Gia Lai đề xuất Bộ Y tế tăng cường tổ chức các lớp đào tạo cho đối tượng chuyên trách công tác xã hội trong bệnh viện; đồng thời đề nghị Bộ Y tế sớm có quy định cụ thể về biên chế, mã ngạch và chế độ phụ cấp đối với đối tượng là chuyên trách công tác xã hội trong bệnh viện để thuận tiện trong quản lý và sử dụng cán bộ.

Tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh-Gia Lai, đoàn công tác đã nghe báo cáo về hoạt động công tác xã hội cũng như những khó khăn mà 2 bệnh viện gặp phải trong quá trình thực hiện Thông tư 43/2015/2015 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện.

Theo đại diện Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, hàng tháng, bệnh viện tiếp nhận khám cho hơn 7.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 2.000 lượt; tiến hành phẫu thuật cho trên 400 trường hợp/tháng; công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt trên 100%.

Tuy nhiên, bệnh viện chỉ có Tổ Công tác xã hội với 16 thành viên hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm). 100% các thành viên tổ chưa trải qua các lớp đào tạo, tập huấn trong công tác xã hội, hoạt động kiêm nhiệm. Cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc theo quy định còn thiếu, chưa bảo đảm theo Thông tư 43/2015/TT-BYT.

Hiện những hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện vẫn chỉ được tiến hành ở những giải pháp có tính chất khách quan, bên ngoài nhằm kêu gọi giúp đỡ cho bệnh nhân từ các tổ chức xã hội song lại chưa có sự chủ động hợp tác giữa cán bộ xã hội và cán bộ y tế trong bệnh viện để cùng nhau nâng chất lượng khám chữa bệnh lên cao.

Gia Lai: Cần đẩy mạnh hoạt động công tác xã hội tại các bệnh viện ảnh 1

Toàn cảnh buổi làm việc.

Công tác xã hội vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chức danh chuyên môn về công tác xã hội trong cơ cấu nhân sự y tế và chưa có phòng công tác trong tổ chức bộ máy của bệnh viện.

Là bệnh viện thuộc hệ thống bệnh viện ngoài công lập, nhưng Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh-Gia Lai cũng chỉ có Tổ Công tác xã hội trực thuộc phòng Quản lý chất lượng và có 3 nhân sự chuyên trách.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổ công tác xã hội đã thực hiện việc tiếp đón, hướng dẫn hỗ trợ cho hơn 126 nghìn lượt bệnh nhân ngoại trú và gần 9 nghìn lượt bệnh nội trú.

Bệnh viện tiếp đón, điều trị một lượng lớn bệnh nhân đến từ Campuchia và luôn được nhân viên chuyên trách tổ công tác xã hội phối hợp với phiên dịch hỗ trợ trong suốt quá trình khám bệnh, điều trị. 6 tháng đầu năm 2023 tiếp đón hỗ trợ hơn 3 nghìn lượt bệnh nhân đến từ Campuchia.

Theo đại diện bệnh viện cho biết, hiện bệnh viện chưa triển khai và thực hiện được hết các nhiệm vụ của bộ phận công tác xã hội theo quy định. Với đặc thù của bệnh viện tư nên công tác vận động tìm nguồn tài trợ, quyên góp còn nhiều khó khăn. Các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh chưa thật sự nổi bật.

Cán bộ tổ công tác xã hội vẫn chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội. Đội ngũ làm chuyên trách còn mỏng nên việc quan tâm, chăm sóc bệnh nhân sau thăm khám, điều trị còn hạn chế.

Tại buổi làm việc với 2 bệnh viện, Đoàn công tác đã giải đáp những thắc mắc và chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá cao nỗ lực của hai bệnh viện khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong thực hiện công tác xã hội trong bệnh viện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị 2 bệnh viện nghiên cứu kỹ Thông tư 43 và xem xét, lập các kế hoạch hoạt động các nhiệm vụ của công tác xã hội để lập kế hoạch và mục tiêu thực hiện. Các bệnh viện cần cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về công tác xã hội; phát triển mạng lưới công tác xã hội, chuyên nghiệp hoá công tác xã hội.

Bên cạnh đó, 2 bệnh viện cần tăng cường chăm sóc khách hàng, xây dựng và thống nhất quy trình để công khai minh bạch, đặc biệt, công tác xã hội cũng cần sự tham gia của tất cả các khoa, phòng để nâng tầm hoạt động công tác xã hội đưa chất lượng và thương hiệu bệnh viện đi lên.