Trong đó, nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp ghi nhận nhiều mặt hàng quan trọng đón nhận lực mua rất mạnh trong tuần, đóng góp chính vào đà hồi phục chung của chỉ số giá hàng hóa.
Giá đậu tương tăng mạnh nhất trong một năm
Tuần giao dịch 16 - 22/10 đánh dấu sự khởi sắc mạnh mẽ của giá đậu tương và khô đậu, trong bối cảnh nhu cầu đối với hai mặt hàng này gia tăng. Thậm chí trong một số phiên, đà tăng mạnh của giá khô đậu đã hỗ trợ cho giá đậu tương. Khép lại tuần vừa rồi, giá đậu tương tăng 1,56% trong khi giá khô đậu cao hơn 8,69%. Đây là mức tăng hàng tuần cao nhất của giá khô đậu trong gần một năm qua.
Theo dữ liệu từ báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) tuần trước, Mỹ đã bán được 1,37 triệu tấn đậu tương và 434.675 tấn khô đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần 06 - 12/10, tăng lần lượt 29,8% và 622% so với một tuần trước đó. Ngoài ra trong các báo cáo Bán hàng hằng ngày (Daily Export Sales) tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán được đơn hàng 132.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc và 183.000 tấn khô đậu tương cho Philippines, cả hai đều được giao trong niên vụ 23/24. Những kết quả xuất khẩu khả quan là yếu chính hỗ trợ giá đậu tương và khô đậu trong tuần vừa rồi.
Song song với xuất khẩu, nhu cầu ép dầu tại Mỹ tăng mạnh cũng là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương. Báo cáo tháng này của Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) cho thấy, khối lượng ép dầu đậu tương tháng 9 của Mỹ đạt 165,46 triệu giạ, tăng 2,5% so với tháng 8 và cao hơn 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khối lượng ép dầu đậu tương kỷ lục của Mỹ được ghi nhận cho tháng 9, khi mà các nhà máy quay trở lại hoạt động sau đợt bảo dưỡng định kỳ. Trong tuần này, giá đậu tương có thể tiếp tục hướng lên vùng 490, trong khi giá khô đậu tương nhiều khả năng sẽ giảm về vùng 460.
Trong khi đó, dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất của nhóm suy yếu trong tuần vừa rồi. Với mức giảm gần 2%, giá dầu đậu tương hợp đồng tháng 12 ghi nhận tuần sụt giảm thứ 5 liên tiếp. Lực bán kỹ thuật là yếu tố chính giúp lý giải cho diễn biến giá.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong cuối tuần trước, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam được điều chỉnh tăng nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân lên mức 14.600 - 14.650 đồng/kg đối với kỳ hạn giao các tháng cuối năm. Đối với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá khô đậu tương dao động quanh mức 13.500 - 13.600 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 150 đồng so với cảng Cái Lân.
Giá cà-phê cao nhất hai tháng
Kết thúc tuần giao dịch 16-22/10, giá đường quay đầu suy yếu. Cụ thể, giá đường 11 giảm 0,67% và giá đường trắng mất 0,11% so với tham chiếu. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng giá cao đối với cả hai mặt hàng đường khi những lo ngại về nguồn cung thấp đã dịu bớt nhưng chưa hoàn toàn biến mất.
Giá bông có tuần giảm mạnh khi mất 4,25% so với tham chiếu. Bán hàng bông tại Mỹ vẫn ở mức thấp, cùng với lo ngại nhu cầu giảm tại Trung Quốc khiến cho giá giảm sâu.
Dữ liệu từ báo cáo bán hàng xuất khẩu bông của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, bán hàng bông Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/10 đã đạt 71.300 kiện, giảm 36% so với mức trung bình 4 tuần. Trong khi, xuất khẩu cũng giảm 22% so với dữ liệu trung bình 4 tuần trước, khi chỉ có 109.900 kiện bông. Thị trường dệt may năm 2023 kém sôi động, khiến cho nhu cầu về bông có phần suy yếu, từ đó gây áp lực lên giá.
Hơn nữa, giới quan sát cho biết Trung Quốc đang chuyển dần việc nhập khẩu bông từ Mỹ sang hai thị trường Brazil và Australia do những khúc mắc trong thương mại Mỹ-Trung. Điều này ảnh hưởng trực tiếp lên khả năng xuất khẩu bông tại Mỹ khi Trung Quốc vẫn đang là bạn hàng lớn nhất.
Thị trường cà-phê là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong đó, giá Robusta tăng 8,54% và giá Arabica tăng 6,68% so với tham chiếu. Cả hai mặt hàng đều ghi nhận 5/5 phiên mang sắc xanh, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất trong hai tháng. Lo ngại về khả năng cung ứng trong ngắn hạn tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu khiến lực mua áp đảo trong tuần qua.
MXV cho biết nguồn cung cà-phê vẫn đang khan hiếm tại Việt Nam trong bối cảnh sản lượng vụ cũ gần như đã hết, còn cà-phê vụ mới đang gặp trở ngại trong quá trình thu hoạch. Điều này khiến lượng cà-phê xuất khẩu tính đến hiện tại vẫn còn ảm đạm. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu cà-phê đến hết 15/10 giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với đó, khó khăn trong quá trình vận chuyển cà-phê tại Brazil dẫn đến lo ngại hạn chế lượng hàng xuất đi ở hiện tại. Các nhà xuất khẩu tại quốc gia Nam Mỹ này đang phàn nàn về tình trạng thiếu xe tải và container cho quá trình vận chuyển cà-phê. Đồng thời, mưa lan rộng tại vùng phía Nam khiến thời gian chờ tàu tại cảng Santos, nơi vận chuyển cà-phê chính bị kéo dài. Những khó khăn nêu trên làm trì hoãn thời gian và lượng hàng xuất đi.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (23/10), giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục được điều chỉnh tăng 400 đồng/kg so với ngày cuối tuần trước. Theo đó, giá cà-phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 59.400 - 60.300 đồng/kg.