Bức tranh chung của khu vực doanh nghiệp nhà nước được phác họa bằng những nhận định khá tích cực từ cơ quan tập hợp báo cáo là Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn khó khăn chung do tác động từ tình hình bất ổn của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp nhà nước đã nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế trong 5 năm tới có thể sẽ rất hạn chế khi việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua chưa được thúc đẩy.
Về hiệu quả hoạt động, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước vẫn tăng nhưng một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn, lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng kể từ đại dịch Covid-19 đến nay, khiến hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Ðáng lưu ý, một số dự án đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn chậm tiến độ; công tác thanh quyết toán đối với các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào GDP đang ở mức khoảng 29%. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế trong 5 năm tới có thể sẽ rất hạn chế khi việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua chưa được thúc đẩy, khiến khu vực này không tạo ra được năng lực tăng thêm.
Ðánh giá một cách khách quan, những khó khăn, bất cập trong sản xuất, kinh doanh cũng như hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ không chỉ do những tác động bất lợi từ yếu tố bên ngoài, từ năng lực quản trị của doanh nghiệp mà còn do những bất cập trong cơ chế, chính sách và sự thiếu năng động của các bộ, ngành, địa phương trong trách nhiệm hướng dẫn thực thi hoặc giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình.
Tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm đã lan xuống các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, là nguyên nhân khiến nhiều dự án, công trình bị ách tắc, đình trệ do không được kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, làm chậm tiến độ nhiều dự án, công trình, thậm chí còn khiến doanh nghiệp vuột mất nhiều cơ hội.
Ðể doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, Chính phủ đã yêu cầu các ngành, các cấp phải lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh... từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại doanh nghiệp nhà nước. Có như vậy, nguồn lực hơn 3,8 triệu tỷ đồng nằm trong khu vực doanh nghiệp nhà nước mới được khơi thông, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tốt hơn.