Cùng suy ngẫm

Không găm hàng, đẩy giá đường lên cao

Thời gian gần đây, giá đường cát trong nước tăng mạnh nên đang có dấu hiệu một số doanh nghiệp găm hàng, tăng giá ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất trong ngành thực phẩm.

Tại thị trường trong nước, khi niên vụ mía 2022-2023 kết thúc, giá đường bán ra ở các nhà máy dao động trong khoảng 20 đến 22 nghìn đồng/kg nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã tăng lên 26 đến 27 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, tại các đại lý bán lẻ, giá đường dao động từ 26 đến 30 nghìn đồng/kg.

Có ý kiến cho rằng, giá đường trong nước tăng mạnh thời gian gần đây là do sản lượng đường ở các quốc gia sản xuất lớn như: Ấn Độ, Thái Lan… có khả năng sụt giảm khiến cán cân cung-cầu đường niên vụ 2023-2024 thâm hụt. Bên cạnh đó, giá đường tăng cũng do lo ngại Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường vào tháng 10 tới

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường.

Diễn biến thị trường cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu găm hàng, tăng giá của một số đơn vị; giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng nếu giá đường tiếp tục tăng mạnh thời gian tới. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho rằng, trong niên vụ ép 2022-2023, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực.

Đồng thời, vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường như: Philippines, Indonesia và Trung Quốc. Vì vậy, mức giá mía đường hiện nay là hợp lý, bảo đảm được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ngành đường Việt Nam đang chuẩn bị vào vụ sản xuất mía 2023-2024. Do đó, một thị trường đường ổn định sẽ là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết giữa người sản xuất, các nhà máy đường và tiêu thụ.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất mía đường cần chung tay bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo nhu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay. Đặc biệt, các đơn vị không để giá đường tăng thêm nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng trên cơ sở hài hòa lợi ích và tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá.

Về lâu dài, nhằm xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa, bảo đảm lợi ích của người sản xuất, nhà máy đường, đơn vị sản xuất trong ngành thực phẩm và người tiêu dùng thì các cơ quan chức năng cần ổn định giá đường ở mức hợp lý; giá thu mua mía bảo đảm người sản xuất có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh tại địa phương.

Từ đó, người dân mới yên tâm phát triển cây mía, tránh việc giảm diện tích dẫn đến thiếu hụt nguồn cung mía, bảo đảm vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường. Mặt khác, cần tăng cường liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; hình thành các vùng sản xuất tập trung, sử dụng các giống mía mới, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, biện pháp thâm canh tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía và thu nhập cho người sản xuất...