Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi tìm về xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội khi trời đã dần trở lạnh. Biết có khách tới hỏi thăm, bà Cấn Thị Ngần, năm nay 64 tuổi vồn vã đón từ xa. Mở đầu câu chuyện, bà hào hứng khoe mình vừa trở về nhà khi đi thăm nhà “con gái nuôi” ở Lạng Sơn.
QUYẾT ĐỊNH ĐỚN ĐAU... BÊN LẰN RANH SINH TỬ
Nhìn người phụ nữ phúc hậu trước mắt, không mấy ai ngờ, cách đây hơn 8 năm, bà đã phải dằn lòng, nuốt nước mắt vào trong lòng để ký giấy hiến tạng con trai ruột để cứu sống những người không may mắn.
Ngước mắt nhìn di ảnh con trai trên ban thờ, bà Ngần kể: Tháng 7/2016, con trai bà là anh Trịnh Đình Vàng bất ngờ bị ngã từ sân thượng xuống. Khi được phát hiện, người thanh niên lúc ấy 32 tuổi đã ở trong tình trạng hết sức nguy kịch.
“Lúc này, tôi đang làm giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội. Biết Vàng được đưa tới Bệnh viện 103, tôi hốt hoảng bắt xe tới, nhưng các bác sĩ nhận định: Con đã bị chết não và không còn chút hy vọng nào nữa rồi”, bà Ngần run run nhớ lại.
Bà Ngần không cầm được nước mắt khi nhớ về quyết định 8 năm về trước của mình. |
Ngay lập tức, mắt bà tối sầm lại. Mọi thứ dường như chao đảo khiến người mẹ già xã Tuyết Nghĩa gục ngã. Cách đó nhiều năm, chồng bà cũng đã ra đi vì một sự cố giật điện.
Xác định bệnh nhân không còn cơ hội, Tổ tư vấn của Bệnh viện Quân y 103 đã gặp riêng bà Ngần để đề cập tới việc “làm nhân đạo”. Khi ấy, bà Ngần “không hiểu ra sao cho tới khi được giải thích là hiến tặng mô, tạng để cứu sống nhiều người khác”.
Nhìn con trai nằm im bên máy trợ thở, lòng bà Ngần ngổn ngang. Bà bảo bác sĩ để mình suy nghĩ một lúc trước khi đưa ra quyết định.
“Đó là khoảng thời gian dằn vặt kinh khủng”, bà Ngần tiếp lời. Nhưng sau cùng người mẹ đau khổ vẫn đồng ý “làm nhân đạo”. “Ai cũng khuyên tôi không nên để Vàng được toàn vẹn. Tôi cũng nghĩ nhiều lắm. Nhưng rồi, lại tự nhủ lòng: Có khi thông qua việc này, biết đâu, tôi vẫn còn có thể được thấy con còn sống đâu đó trên đời này”.
Cuối giờ chiều 27/7/2016, bà Ngần thay mặt gia đình ký vào giấy hiến tạng. Trước giờ phút sinh ly tử biệt bà chỉ kịp ôm chầm lấy con trai rồi bật khóc. Đêm ấy, các bác sĩ của Bệnh viện đã phẫu thuật lấy tim, gan, hai quả thận của anh Vàng để cứu sống 3 người đang cận kề cái chết.
Trước giờ phút sinh ly tử biệt bà chỉ kịp ôm chầm lấy con trai rồi bật khóc... |
Ngay khi kết thúc ca mổ, trái tim của Vàng đã dồn dập đập và sống tiếp cuộc đời thứ hai trong lồng ngực khác. Các phần khác như gan, thận… cũng tiếp nối sứ mệnh mới sau đó không lâu. Riêng cặp giác mạc được bảo quản, trước khi “tái sinh” để mở ra ánh sáng cho 2 bệnh nhân riêng biệt về sau này.
Dừng lại một lát, bà Ngần đứng dậy, thắp một nén hương lên bàn thờ con trai. Bà bảo, thời ấy, việc hiến tạng chưa phổ biến như bây giờ. Bởi vậy, bà cũng chịu rất nhiều lời đàm tiếu từ hàng xóm, láng giềng. Có người ác miệng còn đồn đại, bà đã bán nội tạng con để lấy tiền.
“Đau đớn lắm, nhưng tôi mặc kệ thôi. Tôi chỉ mong biết được thông tin của những người nhận tạng để thi thoảng tới thăm cho đỡ nhớ”.
Mặc dù vậy, do quy định bảo mật, bệnh viện đã từ chối mong muốn này.
HÀNH TRÌNH "SỐNG" TIẾP NỐI TRONG NHỮNG CUỘC ĐỜI
Bẵng đi một thời gian, bà Ngần nghĩ hy vọng “gặp lại con trai” đã vụt tắt. Bất ngờ, cuối năm 2017, bà nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ.
- Con là Tiến. Con đã nhận được trái tim của anh Vàng mẹ ạ! - phía đầu dây ngập ngừng.
Nghe xong, người mẹ đau khổ lặng phắc. Bà chẳng thể tin vào mối lương duyên kỳ lạ rồi sẽ tự tìm tới mình. Bà bật khóc, như cảm nhận được hơi ấm từ con trai, như nghe được tiếng lồng ngực Vàng đang đập vội ngày nào.
Cả đêm đó, bà không sao ngủ được. Những mường tượng về quá khứ, nỗi hồi hộp hiện tại đan xen nhau, khiến bà trằn trọc. Ngày mai, Tiến sẽ cùng trái tim Vàng trở về Quốc Oai thăm… Mẹ.
“Tôi vẫn nhớ khi ấy là một ngày mưa, trúng 20 tháng Chạp Âm lịch, nhằm ngày 17/1 dương. Tiến cùng người thân từ Quảng Bình ra Hà Nội. Anh ấy mang theo một bó cúc vàng”, bà Ngần hồi tưởng.
Nhìn thấy anh Tiến từ cổng, bà Ngần lại bật khóc, rồi sấp ngửa chạy ra, ôm chặt anh vào lòng. Bà áp tai vào ngực trái người lính xa lạ, cố lắng nghe tiếng trái tim đang đập liên hồi. Không ai nói gì. Chỉ có tiếng khóc, tiếng gọi con trong sáng cuối năm trời đầy mưa bụi.
Bà Ngần nói chuyện với anh Tiến qua điện thoại vào tháng 10/2024 - 8 năm sau khi trái tim của con trai bà được "tái sinh" trong một cuộc đời mới. |
Buổi trưa hôm ấy, cả nhà bà Ngần xin nghỉ việc ở nhà làm bữa cơm chung. Tiến kể, nửa năm trước, anh được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối, và có khả năng tử vong bất cứ lúc nào. Nhưng nhờ quả tim được hiến tặng, anh đã được tái sinh. Suốt bữa ăn hôm đó, “mẹ Ngần” ngồi sát Tiến để cảm nhận được sự hiện diện của một người đã đi xa!
Cũng từ hôm đó, bà Ngần chính thức có thêm một người con, dù không chung dòng máu mủ. Sau anh Nguyễn Nam Tiến, bà cũng lần lượt được gặp những người nhận tạng khác là chị Trần Thị Hậu (Lạng Sơn) và anh Vương Xuân Cường (ở Sơn La) - 2 bệnh nhân được ghép thận; chị Đinh Thu Thủy và anh Nguyễn Xuân Hưng (đều ở Hà Nội) - những người được nhận giác mạc của anh Vàng. Và, như một mối lương duyên, tất cả đều tự nguyện nhận bà làm Mẹ.
Cũng từ đây, hàng xóm láng giếng mới thực sự hiểu được nỗi lòng người mẹ. Nỗi oan khi xưa cũng dần dần được gột rửa.
Bức ảnh bà Ngần chụp chung với 5 người con - 5 cuộc đời tìm thấy hy vọng từ cuộc ghép tạng năm 2016. Phía bên phải là bàn thờ anh Trịnh Đình Vàng. |
VĨ THANH THÁNG 10
8 năm qua đi, 5 người con nuôi trên khắp mọi miền đất nước vẫn thường xuyên thăm hỏi “mẹ Ngần”. Mỗi lần có dịp ra Hà Nội, họ sẽ qua nhà nghỉ lại, chơi với mẹ ít hôm. Lễ Tết, các anh chị cũng luôn có mặt để quây quần trong căn nhà nhỏ. Đặc biệt, ngày giỗ anh Vàng, họ cũng lại bắt xe về, cùng xắn tay làm mâm cơm, thắp hương cho “ân nhân” mà tất cả chưa một lần được gặp mặt. Đến thế hệ tiếp theo, lũ trẻ của 5 gia đình cũng gọi bà Ngần bằng Bà. Về phía mình, mỗi khi rảnh việc, bà cũng thường bắt xe đi thăm “các con”.
Cuối tháng 10, thời tiết Quốc Oai bỗng trở lạnh sau nhiều ngày nắng gắt. Bà Ngần ngồi lặng im trong căn nhà, hướng mắt nhìn ra phía khoảng sân nhỏ. Bỗng, chiếc điện thoại trên bàn khẽ rung. Trên màn hình hiện dòng chữ: Tiến con. Vội bắt máy, đầu dây bên kia vang lên tiếng: “Con chào mẹ. Con đang ra Hà Nội khám. Xong xuôi, con mời mẹ về Quảng Bình chơi với chúng con”.
Qua những cuộc điện thoại, câu chuyện của người mẹ dũng cảm ngày nào với những người con nuôi khiến chúng tôi nhận ra, sự sống và lòng thiện tâm vẫn đang âm thầm chảy, theo nhiều cách giữa cuộc đời này. |
Không muốn làm con buồn bà Ngần đồng ý. Vừa gác máy, vài phút sau, tiếng chuông lại reo. Lần này, người gọi là “con gái nuôi Trần Thị Hậu” ở Lạng Sơn. Chị Hậu vừa đón bà lên chơi vài ngày, nay gọi lại hỏi thăm sức khỏe và… giục mẹ lên ở tiếp.
“Gặp các con tôi thấy mừng vì ngày ấy không nghe lời người thân mà từ chối hiến tạng. Nếu tôi không ký vào lá đơn, con tôi mất trở về với cát bụi là mất tất. Còn bây giờ một phần cơ thể của con trai vẫn tồn tại trên đời, tôi vẫn được nghe tiếng tim con đập, đôi mắt con vẫn được nhìn thấy nhiều cảnh đẹp…”, bà Ngần rưng rưng…
Viết tiếp hành trình thiện tâm
6 tháng sau khi chính tay ký vào lá đơn hiến tạng con trai, cuối năm 2016, bà Cấn Thị Ngần tiếp tục tới Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia làm thủ tục đăng ký hiến tạng.
“Tôi muốn hiến tạng đề phòng trong trường hợp không may, thì sẽ có người có thêm cơ hội sống. Từ khi quyết định hiến tạng con, rồi đăng ký cho chính mình, tôi chưa bao giờ nuối tiếc. Ngay cả trong mơ, tôi cũng không ân hận bao giờ”, bà quả quyết.