Hướng tới lợi ích của cả ba bên
Một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới (Chỉ thị 24) được Thủ tướng Chính phủ mới ban hành là tăng cường gắn kết chặt chẽ ba “nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận xét, gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong hoạt động GDNN để cả ba bên cùng có lợi là một vấn đề rất quan trọng. Để lĩnh vực GDNN có hiệu quả, chắc chắn phải hình thành sự gắn kết chặt chẽ ba "nhà", nhất là Nhà nước. Nhà nước sẽ là bên đặt hàng, tạo ra nhu cầu lao động, tạo ra cơ chế, chính sách để hệ thống GDNN, các trường dạy nghề hoạt động phát triển; tạo ra nhu cầu sử dụng lao động và sẽ thúc đẩy các DN phát triển.
Đây là nhận định được TS Phạm Tất Thắng đưa ra tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.
Ông Phạm Tất Thắng chia sẻ, nhà trường là nơi sẽ nhận đặt hàng từ xã hội, từ Nhà nước, từ DN để hoạt động, để đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề. Và DN vừa là người sử dụng lao động, vừa là người đặt hàng đối với các cơ sở GDNN, đồng thời là nơi trực tiếp sử dụng lao động và tạo ra các giá trị cho xã hội.
Trong câu chuyện lợi ích của kinh tế thị trường, "nhà" nào cũng sẽ phải tạo ra được lợi ích thì mối liên kết này mới bền chặt. Và lĩnh vực GDNN mới có kết quả.
Cụ thể, Nhà nước cũng phải có lợi. Kinh tế xã hội phải phát triển, lực lượng lao động phải được đào tạo. Nhà trường phải có đơn đặt hàng, phải có hoạt động đóng góp cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. DN hoạt động phải có đội ngũ những người lao động và phải tạo ra giá trị thông qua quá trình sản xuất - kinh doanh. Đây vừa cần sự gắn bó chặt chẽ, vừa tạo ra những lợi ích cụ thể cho các thành phần tham gia mối liên kết này.
Để giải quyết những vấn đề này, TS Phạm Tất Trắng cho rằng, cần chú trọng vai trò của Nhà nước. Chỉ thị 24 của Thủ tướng cũng là đòn bẩy tạo ra các cơ chế chính sách, những động lực để cho các bên tham gia vào chuỗi cung ứng lao động này đều có lợi ích. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, đóng góp trở lại cho sự phát triển của nền kinh tế.
Khắc phục độ vênh giữa nhà trường và doanh nghiệp
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông (TP Hồ Chí Minh) cho biết, cơ sở này tọa lạc tại khu công viên phần mềm Quang Trung, một trong những địa chỉ được xác định đi đầu của TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước trong ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ 4.0.
Trong những năm vừa qua, thực tế cho thấy, sinh viên của Trường Cao đẳng Viễn Đông học các khối ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe, các ngành kỹ thuật ra trường 100% có việc làm. Đặc biệt, những sinh viên học ngành công nghệ thông tin ở trường, từ cuối năm thứ hai, một nửa trong số các em đã là lao động bán thời gian ở các DN tại khu công viên phần mềm Quang Trung.
Với sinh viên ngành điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe của trường, các bệnh viện công lớn tại TP Hồ Chí Minh như Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi qua, đề xuất chỉ cần học xong chương trình của trường, các em đã có thể gia nhập vào lực lượng lao động của họ mà chưa cần tốt nghiệp. Điều này cho thấy, chính sách giáo dục nghề nghiệp, như Chỉ thị 24 của Thủ tướng, mà trên nữa là Luật GDNN năm 2014, xác định cuối cùng, chủ thể là con người và thật sự là người lao động.
Hiệu trưởng Trần Thanh Hải chia sẻ, trong các chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Viễn Đông, có thêm sự tham gia của các cựu sinh viên đang đi làm tại các DN. Chính nhóm đối tượng này đã học các chương trình của trường, qua quá trình đi làm có những phản ánh thiết thực về chương trình đã học.
Bên cạnh những giảng viên hàn lâm, nhà trường mời những giảng viên là các nhà quản trị, các kỹ thuật viên ở các công ty khởi nghiệp. Chính họ, khi tham gia vào giảng dạy, sẽ mang những yếu tố mới, đòi hỏi của DN đưa ngay vào trong chương trình đào tạo của nhà trường. Như vậy, DN có lợi, và nhà trường cũng có lợi.
Ông Hải nhấn mạnh, điều này có nghĩa là, DN có được đội ngũ lao động chuẩn, thay vì phải đào tạo lại hay đào tạo bổ sung. Mối quan hệ ở đây không còn là quan hệ người sử dụng lao động và người lao động nữa, mà là quan hệ thầy trò, cô trò, hết sức bền chặt, và gắn bó ít nhất cũng phải từ ba năm đến năm năm. Có thể nói, chiến lược của Trường Cao đẳng Viễn Đông đã tạo ra một sức hút và thể hiện mối quan hệ hết sức hữu cơ, xuất phát từ người lao động và người sử dụng lao động cũng như là thầy giáo và sinh viên. Từ đó, tạo nên bước đệm rất tốt cho sinh viên của nhà trường tốt nghiệp đạt được thành công.
Từ góc độ của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các DN khu công nghiệp và khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (HBA) Trần Thiên Long nêu một số vấn đề cần giải quyết.
Thứ nhất, DN nên chủ động liên kết đào tạo với các đơn vị nhà trường, phải tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên, sinh viên được thực tập, thực hành tại nơi sản xuất của DN. Tuy nhiên, trong thực tiễn thời gian qua, không phải DN nào cũng đồng ý. Nguyên do là họ còn băn khoăn về việc bảo đảm bí mật công nghệ, tài chính DN. Song, DN phải chủ động hơn trong chuyện này để có tiếng nói chung, sự đồng hành với các nhà trường.
Thứ hai, DN phải có trách nhiệm tập trung cùng với nhà trường tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Đây là việc rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể trực tiếp cùng với nhà trường ngồi lại, tham gia xây dựng các chương trình đào tạo nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh những chương trình mang tính thiết thực, gắn với nhu cầu thực tiễn của DN.
Qua câu chuyện này, tôi nhận thấy các hiệp hội cũng cần có sự quan tâm, đưa vào chương trình hành động của hiệp hội việc hỗ trợ kết nối giữa nhà trường và các DN.
HBA cũng đề nghị Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nên làm thí điểm, như một vài địa phương có DN lớn ký kết liên tịch, hợp tác toàn diện gắn kết nhu cầu thực tiễn đào tạo của các trường dạy nghề. Bởi vì qua ký kết thí điểm, Tổng cục GDNN sẽ có cái nhìn rõ hơn, có số liệu cụ thể để đưa ra dự báo đào tạo.
Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, TS Trương Anh Dũng, cho biết thêm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng thông tư quy định các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng các lao động có chứng chỉ bằng cấp qua hệ thống GDNN, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trên thị trường lao động hiện nay, có nhiều người lao động đang làm việc nhưng không hề có chứng chỉ ngành, nghề.
Lĩnh vực GDNN cũng đang phải chuẩn hóa hệ thống đào tạo để tương thích. Trong đó, hướng tới hai nhóm vấn đề.
Trước tiên, cần chuẩn hóa với yêu cầu của phát triển thị trường lao động trong nước, đồng thời hướng tới thị trường quốc tế. Trong thời gian qua, một số chương trình theo chuẩn quốc tế đã được xây dựng để tổ chức đào tạo và nhân rộng trong hệ thống.
Tiếp đó, sắp xếp lại các mạng lưới, các cơ sở GDNN đáp ứng yêu cầu, trong đó tập trung chuẩn hóa điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là chuẩn của nhà giáo, người làm công tác quản lý đào tạo, chuẩn về cơ sở vật chất, về định mức kinh tế kỹ thuật.
Trong năm năm vừa qua, gần 300 bộ tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật, về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo đã được xây dựng. Những bộ tiêu chuẩn này có sự tham gia của DN, vì chính họ mới hiểu hơn ai hết những yêu cầu về vị trí việc làm, về tiêu chuẩn đào tạo như thế nào và đặt hàng. Xây dựng hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề, rà soát lại, bổ sung các danh mục ngành nghề mà hiện nay còn thiếu so với thị trường lao động.
Mô hình Hội đồng quản lý kỹ năng nghề với sự tham gia của Hiệp hội DN cũng đã triển khai thí điểm. Qua đó, DN xác định yêu cầu về tiêu chuẩn đào tạo, yêu cầu về vị trí việc làm, kỹ năng nghề nghiệp mà người lao động cần có. Từ đó, chúng ta thiết kế quay trở lại và phát triển chương trình để chuyển đổi đào tạo.