Phạm Luận,người vượt qua những thách thức

Những thách thức ấy không ai bắt họa sĩ Phạm Luận phải tự đặt ra. Bởi với một người đã từng có gần 50 năm cầm cọ, đã gặt hái không ít thành công cả ở trong nước và ngoài nước thì khi sắp chạm ngưỡng 70 xuân, cũng chẳng có gì còn là áp lực.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Phạm Luận trong xưởng vẽ của mình.Ảnh: Trần Hải
Họa sĩ Phạm Luận trong xưởng vẽ của mình.Ảnh: Trần Hải

Nhưng nghĩ cho cùng, nếu một người nghệ sĩ không đặt ra và vượt qua những thách-thức-chính-mình để sáng tạo, thì có khác gì đang làm động tác giẫm chân tại chỗ, đi mà không tiến lên?

Còn nhớ cách đây chưa lâu, họa sĩ Phạm Luận gọi điện thoại mời tôi đến xưởng vẽ xem bộ tranh mới hoàn thành sau ba tháng vẽ cật lực. Ông kể: Một gallery (phòng trưng bày tranh) ở TP Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức triển lãm tranh vũ công ballet của ông, nhưng họ muốn có thêm một số bức tranh phong cảnh phố phường, làng hoa Hà Nội vốn đã thành thương hiệu của Phạm Luận. Ông từ chối đề nghị này vì nghĩ triển lãm thì phải mang đến một điều gì mới, tranh vẽ phố phường thủ đô của ông đã “quen” với công chúng rồi! Tuy nhiên ông vẫn hứa sẽ “nghĩ thêm một cái gì đó” dù lúc đó trong đầu chưa có ý tưởng gì.

Phạm Luận bay vào TP Hồ Chí Minh. Sau hai năm đại dịch Covid-19, như nhiều người ở xa, ông hình dung đây vẫn là một thành phố vắng vẻ, buồn bã, các cửa hàng, cửa hiệu thưa thớt và trên gương mặt người dân vẫn lưu dấu nỗi đau mất mát quá lớn… Nhưng TP Hồ Chí Minh đã khiến ông ngỡ ngàng. Cuộc sống ở đây nhộn nhịp, hối hả, căng tràn sức sống. Đi trên đường phố, bên tai ông vang lên câu hát: “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây/Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!…” (“Sài Gòn”, ca khúc của nhạc sĩ Y Vân). Trong ca từ đã mang đẫm chất hội họa. TP Hồ Chí Minh đang hồi sinh mạnh mẽ và kỳ diệu. Họa sĩ thấy mình như trẻ lại, cảm xúc dâng trào. Ông quyết định phải vẽ, dù chưa bao giờ từng vẽ về thành phố này. Đó là một thách thức.

Thoạt tiên, ông định vẽ dăm ba bức như yêu cầu của gallery. Nhưng không hiểu sao càng vẽ, lại càng say mê. Ông quay lại TP Hồ Chí Minh thêm vài lần để lấy tư liệu. Có những ngày ông lang thang một mình như một lữ khách, ghi chép, chụp ảnh, trò chuyện với người dân, thanh niên nam, nữ. Có nhiều đêm ông thao thức, trong đầu chỉ quay cuồng những hình khối, bố cục. Cảnh sắc, con người, ở thành phố sôi động bậc nhất cả nước đã mang đến cho ông những cảm xúc mãnh liệt, mới mẻ. “Mình sẽ phải vẽ khác”, ông tự nhủ. Khác với những gì đã quen thuộc từng mang lại thành công, quả không dễ. Đó là thách thức thứ hai.

Trong vòng hơn ba tháng, ông tự “giam mình” trong xưởng vẽ. Đều đặn mỗi ngày ông thức dậy từ sáng sớm, vẽ đến trưa, nghỉ một chút rồi lại vẽ một lèo đến chiều tối. Điều gì tác động đến người nghệ sĩ nhiều nhất nếu không phải cảm xúc và lương tâm trước hiện thực? Trước kia ông diễn tả hiện thực bằng mầu sắc, ánh sáng để nói lên điều mình muốn. Còn lúc này, ông đào sâu vào hiện thực để đi tìm điều mình muốn diễn đạt, để kể những câu chuyện về một thành phố hồi sinh trẻ trung, rung động và say đắm. Đó là thách thức thứ ba.

Hơn 20 bức tranh dần hiện ra, rất nhiều người trẻ ở vị trí trung tâm được họa sĩ lựa chọn làm biểu tượng của thành phố đang hồi sinh. Một hàng xe phân khối lớn chuẩn bị xuất phát trước cửa khách sạn Continental cổ kính, đám thanh niên nhảy hip-hop trước Nhà bưu điện cũ kỹ, những đôi tình nhân trao nhau âu yếm trong ngày Valentine bên ngoài Nhà hát Thành phố, những cậu bé đang trượt ván trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, một toán sinh viên ballet tạo dáng trong một công viên nhỏ…, là những sắp đặt táo bạo của Phạm Luận mà sự tương phản làm nên điểm nhấn tươi mới. Tất nhiên không thể thiếu những tấm “danh thiếp” quen thuộc của Sài Gòn vừa xưa cũ, vừa hiện đại: Nhà thờ Đức Bà, Bitexco Tower, Landmark 81, Bến Bạch Đằng…

Mỗi “tích tắc” trong tranh là một lần Phạm Luận vượt lên giới hạn của chính mình để Sài Gòn hiện lên thân thuộc, hằng ngày, ai cũng nhìn thấy nhưng mới mẻ, lạ lẫm, quyến rũ như lần đầu bắt gặp. Nhà nghiên cứu mỹ thuật trẻ Linh Diem Pham cho rằng: “Một lần nữa người xem thấy được sự biến hóa trong tranh Phạm Luận… Ông luôn đau đáu suy nghĩ để có thể làm mới tranh của mình, khám phá những giới hạn mới trong tranh”.

Triển lãm “Tích tắc Sài Gòn” khai mạc cuối tháng 10/2022, bày hơn 30 bức tranh sơn dầu (gồm những bức mới vẽ và số tranh vũ công ballet đã hoàn thành từ trước), đã làm choáng váng người xem. Ngay lập tức, quá nửa số tranh được “đính hoa” (nhà sưu tập chọn mua), trong đó có nhiều người nước ngoài. Đáng chú ý, một nhà sưu tập trẻ người Đài Bắc Trung Hoa đã mua liền sáu bức.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Bất kỳ ai cũng có thể ngỡ ngàng với “Tích tắc Sài Gòn” của Phạm Luận khi chợt nhớ một con đường quen, một góc phố cũ và những hàng cây xanh nhẹ nhõm sau mưa đang được nhìn với một con mắt khác… Phạm Luận vẽ như được trẻ lại với thế hệ những người Việt mới cùng muôn nét đẹp mới của bây giờ”. Càng lớn tuổi, nét vẽ lại càng trẻ, đó là một nghịch lý đáng yêu chỉ có ở những nghệ sĩ tận hiến cho nghệ thuật.

Có thể nói, họa sĩ Phạm Luận vừa khép lại năm 2022 không thể rực rỡ hơn với chính ông vì đã vượt lên những giới hạn của chính mình để đánh dấu một bước chuyển mới rất đáng trân trọng trên hành trình sáng tạo.

Ngồi với ông trong chiều cuối năm, nghe ông hào hứng nói về những dự án sắp tới. Một triển lãm tranh chân dung người thân và bè bạn đã được ông ấp ủ từ lâu, dự định sẽ tổ chức đầu năm 2024. Ông đã có một lượng kha khá những bức chân dung kiểu “portrait”. Nhưng sau bước chuyển về tư duy nghệ thuật từ triển lãm “Tích tắc Sài Gòn”, ông biết mình sẽ phải vẽ thêm và vẽ khác.

Tranh chân dung không chỉ vẽ chân dung người cụ thể mà ông muốn kể những câu chuyện về nhân vật ấy ngoài đời, đặt trong các bối cảnh đời sống khác nhau được bố cục, sắp đặt lại bằng ngôn ngữ hội họa. Nó sẽ như thế nào, ông chưa biết. Các ý tưởng đang quay cuồng trong đầu. Nhưng đây lại chính là điều ông mừng nhất bởi vì tiếp tục có những thách thức đặt ra để ông vượt qua và đây là dự án quan trọng nhất lúc này bên cạnh những công việc bề bộn không lúc nào hết.

Tôi hỏi ông, nếu bây giờ có một điều ước, thì đó là gì? “Tôi chỉ ước có thật nhiều thời gian và sức khỏe để vẽ” - ông mỉm cười nói thêm - “Ở tuổi mình, tiền bạc, danh tiếng đã có thể để lại phía sau. Nếu muốn làm thêm điều gì đó thì hãy gắng làm những thứ để lại được cho cuộc đời. Những thứ ấy thì không bao giờ mất…”.

Nghe Phạm Luận nói, tôi đã hiểu vì sao họa sĩ luôn tự đặt cho mình những thách thức mới.