Trong số 485 loại thuốc này, có 206 thuốc được cấp mới giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Cụ thể, có 159 thuốc sản xuất trong nước và 47 thuốc nước ngoài. Phần lớn các thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 5 năm, số ít giấy có hiệu lực 3 năm.
Trong các thuốc này, có các loại thuốc chỉ định trị liệu hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và luyện tập; thuốc dạ dày; thuốc kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2 không phụ thuộc insulin...
Có 279 thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành 5 năm hoặc 3 năm. Cụ thể, 103 thuốc được sản xuất trong nước và 176 thuốc nước ngoài. Các thuốc này điều trị một số vấn đề về dạ dày và thực quản; điều trị huyết áp cao, suy tim sung huyết, nhồi máu; hạ lipid máu tổng hợp...
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế diễn ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Hồi tháng 8, Bộ Y tế có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều quy định liên quan. Theo tờ trình do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký, thống kê từ 34 Sở Y tế, 21 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 40/55 Sở Y tế và bệnh viện Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc.
Bộ Y tế xác định nguyên nhân thiếu thuốc một phần do tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ.
Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến sau dịch dẫn tới tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại nhiều cơ sở y tế. Tuy nhiên, năm 2023, các cơ sở y tế phải có kế hoạch mua sắm, dự trù thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.
Trước tình hình bão lũ còn diễn biến khó lường từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm 2022.
Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng cuối năm 2022; bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ trong thiên tai, không để bị động, bất ngờ.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương căn cứ nhu cầu thực tế đề xuất với UBND tỉnh, thành phố có văn bản đề nghị gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hóa chất khử khuẩn (Chloramin B, Aquatabs) từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định.