Nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, khắc phục tình trạng thiếu thuốc

NDO - Sáng 13/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo nhằm thảo luận công tác phòng, chống dịch thời gian tới, giải pháp tháo gỡ khó khăn để bảo đảm thuốc, vật tư y tế cho phòng, chống dịch và khám chữa bệnh cho nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ… Cuộc họp được truyền trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Thời gian này năm ngoái, chúng ta còn đang bận rộn với công tác phòng, chống dịch. Nhiều tổ chức quốc tế, nhà khoa học đánh giá việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Đến nay, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kinh tế phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng; nếu không có gì biến động lớn thì tăng trưởng kinh tế quý III sẽ cao hơn quý II; bảo đảm các cân đối lớn; thị trường lao động đang phục hồi; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm ổn định chính trị, làm tốt công tác đối ngoại; đời sống nhân dân được cải thiện".

Có được kết quả như vậy là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện. Các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chúng ta đã tiến hành chiến lược vaccine đúng đắn, trong đó có việc hình thành Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19, tiến hành Ngoại giao vaccine thành công, thực hiện chiến dịch tiêm vaccine toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay.

Qua thời gian chống dịch, chúng ta đã tổng kết được các trụ cột, công thức phòng, chống dịch. Vừa qua, chúng ta đã thực hiện tốt việc này, tuy nhiên, chúng ta còn lơ là, chủ quan trong việc tiêm vaccine khi dịch bệnh đã được kiểm soát, dẫn đến công tác này chưa đạt mục tiêu theo tinh thần của Ban Chỉ đạo, của chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta không thể quên được những ngày tháng khó khăn, mất mát vì đại dịch, vì không có vaccine.

Nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, khắc phục tình trạng thiếu thuốc ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp.

Do đó, theo Thủ tướng, phiên họp này cần phải thảo luận kỹ vấn đề chậm tiêm vaccine; phải tuyên truyền, vận động, tạo ra phong trào để nhân dân hưởng ứng tiêm vaccine. Hơn nữa, thế giới đã chứng minh hiệu lực của vaccine suy giảm theo thời gian; phải tiêm các mũi vaccine theo quy định của Bộ Y tế dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, khuyến cáo của WHO. Thủ tướng nêu rõ, nếu tỉnh nào để bùng phát dịch, nhiều người chết vì Covid-19 thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Thủ tướng cũng nêu rõ, hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…, do đó phiên họp này phải bàn. Bệnh viện không có thuốc trong khi nhân dân có nhu cầu khám chữa bệnh, không lẽ chúng ta khoanh tay ngồi chờ? Thủ tướng mong các đại biểu hiến kế để tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề này như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu, đấu giá công khai để xử lý vấn đề này; nếu đấu thầu, mua sắm tập trung thuốc khó khăn thì có thể nghiên cứu phân cấp….

Thủ tướng cũng đề cập tình trạng một bộ phận bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc và yêu cầu cần sớm tìm hướng giải quyết; yêu cầu bàn việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, nhất là cho các cháu học sinh. Thủ tướng cũng đề nghị phiên họp cần tập trung thảo luận về những điểm yếu nhất trong công tác phòng, chống dịch để tìm giải pháp khắc phục.

* Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 11/9, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77% và tỷ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2% (so với tổng dân số tỷ lệ này là 56%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới 28%); tỷ lệ tiêm mũi 4 là 77%; tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 85,8% (cơ bản hoàn thành tiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ), tiêm mũi 2 đạt 57,6%. Trong tháng 8, cả nước tiêm được khoảng 11 triệu liều vaccine, trung bình mỗi ngày tiêm được 360.000 liều (ngày thấp nhất tiêm được gần 100.000 liều, ngày cao nhất tiêm được hơn 800.000 liều), số liều tiêm giảm nhẹ so với tháng 7/2022 (khoảng 13,4 triệu liều/ tháng).

Nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, khắc phục tình trạng thiếu thuốc ảnh 2
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 253 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại cho các địa phương để triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng bao gồm 234,6 triệu liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên và 18,4 triệu liều vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong tháng 8/2022, đã cấp 1,93 triệu liều vaccine Pfizer cho người từ 12 tuổi và 1,76 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để tiêm chủng trong tháng 9/2022.

Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với nhà tài trợ và các đơn vị liên quan để hoàn thiện thủ tục tiếp nhận 1,2 triệu liều vaccine Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên do COVAX Facility viện trợ và 4,2 triệu liều vaccine Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên do Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF và 730.000 liều vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ASEAN và COVAX Facility.

Dự kiến trong tuần từ ngày 12-14/9/2022 sẽ tiếp nhận 3 triệu liều vaccine Pfizer trong tổng số 4,2 triệu liều vaccine do Australia cam kết viện trợ (1,5 triệu liều dự kiến tiếp nhận vào ngày 12/9 và 1,5 triệu liều dự kiến tiếp nhận ngày 14/9) và dự kiến ngày 21/9 sẽ tiếp nhận thêm 1,2 triệu liều của COVAX. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ cho các đơn vị, địa phương để bảo đảm việc triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ, đơn vị để tiếp nhận thêm vaccine cho các nhóm tuổi.

Bộ Y tế cũng đang tiếp tục triển khai các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị, thuốc. Theo đó, Bộ tham mưu Chính phủ ban hành Công điện 778/CĐ-TTg ngày 5/9/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; Ban hành các hướng dẫn về quản lý, quy định danh mục và cấp số lưu hành trang thiết bị y tế để khẩn trương xử lý, giải quyết việc cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế nhất là đối với các hồ sơ nộp trước ngày 1/1/2022; tập trung chỉ đạo, phối hợp các bộ, ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế và người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Trang thiết bị y tế và tập trung để bảo đảm nguồn cung đối với một số thuốc hiếm. Đề xuất xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị về việc nghiêm túc thực hiện việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình, nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, đang có những biến chủng mới; vaccine tiếp tục suy giảm hiệu lực theo thời gian; ngoài ra còn các loại dịch sốt xuất huyết, các loại bệnh khác. Kinh nghiệm cho thấy, khi không có vaccine thì vất vả, khổ sở, hy sinh, mất mát như thế nào; không ai quên được những ngày tháng cách đây 1 năm. Qua đó, chúng ta thấy càng phải coi trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh, càng ý thức được những lúc thanh thản, bình yên như thế này, nếu không nỗ lực thì sẽ tái diễn cảnh năm ngoái.

Do đó, Ban Chỉ đạo các cấp phải thấm nhuần bài học này, để trong tư tưởng, tư duy, cách tiếp cận phải không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phải tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở, rà soát đối tượng tiêm vaccine; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phục hồi nhanh và phát triển bền vững, phòng, chống dịch theo Nghị quyết 38 của Chính phủ.

Nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, khắc phục tình trạng thiếu thuốc ảnh 3

Phiên họp diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Y tế thường xuyên bám sát tình hình, cập nhật kịch bản và các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; không để dịch bệnh bùng phát lại. Địa phương nào, cơ quan nào để dịch bùng phát thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân. Bộ Y tế rà soát, khẩn trương tiêm vaccine theo đúng chỉ đạo đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Phải vận động nhân dân thay đổi hành vi, tích cực đi tiêm vaccine, nếu cần phải sửa đổi luật pháp để tăng cường bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Khắc phục khó khăn, bảo đảm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế cho phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và khám chữa bệnh nói chung. Bộ Y tế cùng các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính rà soát các quy định. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, “dám làm, dám chịu trách nhiệm”; tháo gỡ chồng chéo về thủ tục, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc ngay trong tháng 9 này. Không vì xử lý kỷ luật mà ách tắc việc này; ai làm sai thì vẫn phải bị xử lý. Các cơ quan chức năng, điều tra phải đánh giá khách quan; không vì vướng mắc thủ tục mà để thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài.

Liên quan tiêm vaccine, Thủ tướng nêu rõ, có tình trạng trục trặc liên quan thống kê tỷ lệ tiêm chủng, do đó đề nghị Bộ Y tế cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp cần rà soát, thống kê, bảo đảm khớp các số liệu, bảo đảm tính chính xác. Các địa phương chậm tiêm chủng, bị nêu tên trong báo cáo của Bộ Y tế thì cần phải khắc phục. Các cơ quan phải đổi mới cách tuyên truyền cho nhân dân chấp hành ý thức, hưởng ứng việc tiêm vaccine.

Thủ tướng biểu dương các địa phương: Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Ninh (đạt tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao nhất); Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Bình, Điện Biên, Bắc Cạn (đạt tỷ lệ tiêm mũi 4 cao nhất); Bắc Giang, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Kon Tum, Lâm Đồng (đạt tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cao nhất); Sóc Trăng, Bắc Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long (đạt tỷ lệ tiêm mũi 2 cho cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao nhất).

Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên, Quảng Trị… nghiêm túc rà soát, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vaccine để khẩn trương có biện pháp khắc phục.

Nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, khắc phục tình trạng thiếu thuốc ảnh 4
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo.

Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đánh giá lại việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung; khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, sửa đổi ngay các Thông tư của Bộ về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế… để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm; bảo đảm việc mua sắm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; không dàn trải, manh mún, tràn lan.

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn, sẵn sàng nhân lực, vật tư bảo đảm ứng phó kịp thời, tại chỗ, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19 để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em, học sinh; qua việc này góp phần xây dựng nhân cách cho các cháu học sinh có trách nhiệm với cộng đồng; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn trường học.

Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát các đối tượng được hưởng các tiêu chuẩn, các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các địa phương cũng phải vào cuộc rà soát, coi đây là việc quan trọng, chú ý quan tâm các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các đối tượng yếu thế, các cháu mồ côi cha mẹ vì dịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải chủ động phòng, chống dịch tốt; đẩy mạnh xúc tiến du lịch, phối hợp với các bộ, ngành chức năng (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao) nghiên cứu, mở rộng chính sách visa để phát triển du lịch, vì đây là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiếp tục đẩy mạnh, nghiên cứu thêm cách thông tin, tuyên truyền về chủ trương, tập trung vào tuyên truyền sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, các thành tựu kinh tế-xã hội.